(ĐNĐT) - Quy định mới bắt buộc bệnh nhân hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) phải chi trả viện phí từ 5 đến 20% đã có độ “vênh” nhất định trong thực tế. Bệnh nhân nghèo, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y đang hoang mang trước một tương lai điều trị nặng gánh
Xao xác hành lang ngụ cư
Đa số bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y đều là người nghèo gặp khó khăn về mức chi trả mới được áp dụng (Ảnh: Trọng Nghiệp) |
Khoa Thận nhân tạo và khoa Ung bứu Bệnh viện Đà Nẵng nằm liền nhau trên tầng 2. Người ta thường bảo, hành lang phía trước hay dãy phòng này là “hành lang ngụ cư” của các bệnh nhân phương xa. Ở nơi đó, những bệnh nhân mỗi tuần 3 lần chạy thận đều đặn suốt nhiều năm trời đã “tạm trú” trên những manh chiếu trải liền kề.
Nơi góc tường cạnh cầu thang máy là manh chiếu của anh Nguyễn Mỹ (SN 1971, trú thôn 3, Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam) suốt 3 năm qua. Mỗi tuần anh chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Đà Nẵng, nếu cứ đi đi về về thì tốn kém và sức khỏe lại yếu nên anh quyết định “ngụ cư” ngay tại hành lang khoa Thận nhân tạo.
Nay nhận được tin, mỗi tháng anh phải đóng thêm 5% viện phí - tương đương 480 ngàn đồng/tháng, anh và vợ đang lo sốt vó. Bởi lẽ, đứa con nhỏ gửi ông bà nuôi nấng, vợ là Nguyễn Thị Lan cũng bỏ việc suốt 3 năm để trời chạy vạy chăm sóc chồng biết lấy tiền đâu ra. “Suy thận mãn tính rồi thì tui chỉ biết ráng ngày nào hay ngày ấy; biết là không sống được bao lâu mà nay lại thêm gánh nặng cho vợ, con”, anh Mỹ bùi ngùi nói.
Ngặt nghèo hơn, anh Quảng Văn Đạo (50 tuổi, trú ở phường Sơn Phong, thành phố Hội An) phải đóng thêm viện phí đến 20%, tức 1,5 triệu đồng/tháng, khi áp dụng mức chi trả BHYT mới cho 12 lần chạy thận đều đặn mỗi tháng.
Không những anh Đạo, nhiều bệnh nhân ngồi chờ trong căn phòng liền kề chuẩn bị vào chạy thận định kỳ cũng xôn xao về mức chi trả BHYT mới. Hầu hết những bệnh nhân mắc suy thận mãn tính đều hiểu rõ còn tiền thì còn chạy thận và cầm cự cho đến khi nào không còn khả năng chi trả nữa thì xuôi tay.
3 năm qua, anh Nguyễn Mỹ chọn hành lang khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng để “tạm trú”, nay càng gặp khó khăn khi phải trả thêm viện phí (Ảnh: Trọng Nghiệp) |
Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng thống kê hiện có 156 bệnh nhân đang điều trị thường xuyên tại khoa, chỉ có 50% trong số đó đảm bảo kinh tế để chi trả theo quy định BHYT mới. Còn lại mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng phải bù lỗ cho các bệnh nhân không có khả năng chi trả thêm mức 5-20% (khoảng 2 triệu đồng). Bên cạnh đó, khoa Ung bướu có 61 trường hợp đang điều trị, trong đó có 11 ca bệnh nhân nghèo gặp khó khăn với mức chi trả thêm 5% viện phí.
Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, gánh nặng của bệnh nhân nghèo, bệnh nhân điều trị bệnh mãn tính đang tập trung nhiều nhất tại Bệnh viện Đà Nẵng. Còn Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện dù sao cũng nhẹ gánh hơn do chi phí điều trị tương đối thấp. Theo ước tính của Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, đã có 140.000 thẻ BHYT cho người nghèo và người cao tuổi đã được cấp, chiếm 20,5% các đối tượng tham gia bảo hiểm.
Không có thu nhập làm sao nộp viện phí
Theo quy định của Luật mới, người già neo đơn, trẻ em trên 6 tuổi bị bỏ rơi, mồ côi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, nói chung là các đối tượng xã hội phải bảo trợ đều thuộc diện cùng chi trả 5%. Ai cũng biết đối tượng này không có khả năng mua BHYT mới được Nhà nước trợ giúp mua BHYT thì quy định thu viện phí 5% đối với họ là bất khả thi.
Các cụ già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố: Không có thu nhập lấy gì nộp viện phí (Ảnh: Hoàng Anh) |
Chỉ tính riêng đối tượng bảo trợ xã hội, Đà Nẵng có 11.000 người được trợ giúp mua BHYT từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên, việc chi trả 5% viện phí cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi trên 6 tuổi đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở của các tổ chức từ thiện xã hội hoạt động không thụ hưởng ngân sách thành phố đang là mối lo lắng rất lớn.
Ông Nguyễn Thành Sanh, 58 tuổi đã sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố đã 5 năm rồi. Tuổi cao sức yếu, gia đình chẳng còn ai thân thích nên mới vào đây sống bằng tiền trợ cấp. Ông kể, hai năm trước, mắt ông cứ mờ dần rồi chẳng thấy gì. Cuối năm vừa rồi được Trung tâm cho đi mổ đục thủy tinh thể tại Viện Mắt Đà Nẵng, nay hai mắt sáng hẳn, nhìn rất rõ.
Ông không rõ ca mổ chi phí hết bao nhiêu vì đã được mua BHYT rồi. Nếu ca mổ mắt của ông lùi qua năm 2010 này thì ông sẽ phải chi trả 5% trong tổng chi phí (khoảng 6 triệu đồng) một ca mổ, tức ông sẽ phải trả 300 ngàn đồng. Ông nói: “Không nơi nương tựa, không có thu nhập tôi mới vào đây sống. Nếu đổ bệnh, đi viện mà phải trả tiền thì tôi có gì mà trả”.
Ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội cho biết, ông cũng đang rất lúng túng vì 180 người già và trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trên 6 tuổi đang sống trong trung tâm sẽ phải cùng chi trả 5% viện phí khi ốm đau. Kinh phí hoạt động của trung tâm được Sở LĐ-TB&XH rót về cũng như mọi năm, không thấy có khoản nào nói để chi trả 5% viện phí cho các đối tượng khi đau ốm phải điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, ông Liên vẫn tỏ ra khá yên tâm vì trước đây, mỗi khi có vấn đề khó khăn đột xuất về tài chính, đều được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ.
Trái với sự yên tâm của ông Liên, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố, rất lo lắng vì quy định cùng chi trả 5% viện phí. Từ nhiều năm qua, Hội phối hợp với Tu viện Dòng thánh Phao lô tổ chức “Mái ấm tình thương” nuôi dưỡng 27 cụ già neo đơn, đồng thời Trung tâm Từ thiện của Hội cũng đang nuôi dưỡng 8 trẻ em mồ côi trên 6 tuổi. Không giống như các cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động ổn định nhờ ngân sách thành phố, Hội phải đi vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm mới có kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ già neo đơn, các em mồ côi, chi phí cho các em đi học.
Với quy định mới của BHYT, không ai khác là Hội Từ thiện phải đứng ra chi trả 5% viện phí cho các cụ, các em mỗi khi đau ốm phải đi viện. “Giá như ngân sách nhà nước gánh cho phần chi phí chăm sóc sức khỏe như trước đây để chúng tôi tập trung chăm lo đời sống cho các đối tượng thì tốt biết mấy”, bà Tám nói.
|
Trọng Nghiệp - Hoàng Anh