Hằng ngày, họ lặng lẽ âm thầm làm những công việc “không tên” cũng chỉ vì yêu nghề, sống với nghề mình chọn. Đối mặt với người bệnh tâm thần, rất nhiều trong số họ đã hy sinh bản thân mình và hành động như mệnh lệnh của người thầy thuốc chân chính.
Thầm lặng giữa đời thường
17 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Hữu Việt chưa hề có ý định rời bỏ nơi này. |
Mặc dù đã nhiều lần tới Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nhưng cứ mỗi lần tới đây, tôi lại thấy hồi hộp và có phần lo lắng khi được các bác sĩ, điều dưỡng dẫn đến các khoa Cấp tính nam và khu điều trị cai nghiện cho bệnh nhân nghiện ma túy nặng. Bước qua cánh cửa khoa Cấp tính nam là hai dãy hành lang dài với hơn 50 bệnh nhân nam tuổi từ 16 đến 70 cứ đi qua, đi lại liên tục. Không giống những bệnh viện khác, không gian cho những bệnh nhân tâm thần là những căn phòng đơn sơ, rất ít đồ đạc. Mỗi người bệnh mang một tâm trạng khó tả, chỉ có ánh mắt đăm chiêu, căng thẳng ẩn chứa những tâm hồn run rẩy, yếu mềm.
Mỗi khi tôi đưa máy ảnh lên chụp cảnh sinh hoạt trong bệnh viện, các bệnh nhân xúm lại đòi chụp. Có người lăm lăm trừng mắt nhìn tôi. Thấy tôi chột dạ, y tá Nguyễn Văn Tám liền trấn an: Không có gì đâu, bệnh nhân ở đây trông dữ thế nhưng hầu hết đều được chúng tôi kiểm soát chặt. Đôi khi họ còn rất hiền và nghe lời chúng tôi.
Nói vậy, nhưng anh Tám lại kể cho tôi nghe câu chuyện điều dưỡng Hồ Ba mới bị một bệnh nhân lên cơn động kinh đánh bị thương ở bàn tay. “Lúc ấy khoảng 9 giờ sáng, một bệnh nhân đột nhiên lên cơn bấn loạn đập phá chiếc ti-vi trong khu sinh hoạt công cộng, anh Ba nghe ồn ào liền vào can thiệp. Không kiểm soát mình, bệnh nhân này xô té ngã anh Ba”, y tá Tám kể. Bệnh nhân đánh điều dưỡng Ba tên Hùng bị người nhà xa lánh không nhìn mặt nên càng ngày bệnh tình càng trở nặng. Sau những lần bệnh lắng dịu, anh được đưa về nhà nhưng lại quậy phá, đánh người. Thế là phải vào viện và ở lâu dài để theo dõi cắt cơn.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Việt, Trưởng khoa Cấp tính nam chia sẻ: “Chuyện bệnh nhân động kinh hoảng loạn gần như xảy ra hằng ngày. 17 năm nay, trong những ca trực đêm với tôi luôn phải cảnh giác cao độ, nhất là vào giữa khuya, những bệnh nhân mới vào viện thường “quậy tưng bừng” vì chỗ ở mới quy cũ chưa thích nghi được”.
Vất vả nhất là công việc của những điều dưỡng viên, bởi họ là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Khổ một nỗi, nhiều bệnh nhân khi lên cơn còn đánh luôn cả người thân, bố mẹ, anh em mình. Một lần đến đây, tôi thấy bác Phan Văn Lý bị đứa con trai Phan Tiến Việt mắc bệnh tâm thần đánh dập mũi vẫn còn băng gạc. Rưng rưng nước mắt, bác Lý thổ lộ: “Tôi có 4 đứa con thì hai đứa mắc bệnh tâm thần, một đứa đang ở khoa Cấp tính nam, còn một đứa ở khoa bệnh nhân nữ. Những lần bị con hành hạ cũng thấy bực, nhưng rồi nghĩ lại quá thương chúng nó. Ở đây, chúng tôi chỉ trông nhờ vào đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý của bệnh viện”.
Trăn trở một nỗi lo
Ở Bệnh viện Tâm thần, hình ảnh mà tôi cảm động nhất là những hộ lý, y tá, điều dưỡng sửa từng động tác ngồi, bón từng muỗng cháo cho bệnh nhân... Với họ, người bệnh tuổi tác khác nhau, lớn có, nhỏ có, nam có nữ có nhưng không khác gì đứa trẻ lên ba. Không ít lần các y tá phải gồng mình kìm giữ bệnh nhân trong cơn khóc thét, quẫy đạp khi được người nhà vừa đưa vào.
Chị Thu Ba, y tá chính khoa Cấp tính nữ gắn bó với Bệnh viện Tâm thần này cũng chỉ là dịp tình cờ. Chị cùng một người bạn lên đây thăm người nhà, không hiểu sao thấy bệnh nhân tâm thần ở đây lúc gặp cười nói vui vẻ lắm, lại hiền lành nữa. Thế là chị quyết định gắn bó luôn nơi đây. Còn với bác sĩ Nguyễn Hữu Việt năm nay đã 43 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế không phải chuyên ngành tâm thần. Thế nhưng anh lại quyết định về Bệnh viện Tâm thần làm việc, một địa chỉ mà không ít bạn bè của anh lắc đầu mỗi khi ai đó đề nghị đến đây làm việc.
“Ngặt nỗi, 10 năm nay, bệnh viện chúng tôi không tuyển được bác sĩ. Có vẻ như những bác sĩ trẻ mang nhiều nỗi lo khi nghe điều chuyển về nơi này. Nếu mười, mười lăm năm nữa mà không có bác sĩ về làm việc thì chắc rằng sẽ không còn đủ bác sĩ để điều trị bệnh nhân tâm thần mỗi năm một tăng nhanh như hiện nay”, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thổ lộ.
Tạm biệt những người thầy thuốc ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tôi thấy lòng mình ấm lại bởi tấm lòng vì người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng ở đây. Tôi cảm nhận ở họ đang coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của cơ thể mình.
Bài và ảnh: Việt Dũng