.

Một chính sách hợp lòng dân

Ngày 13-8-1998, Chính phủ ra Nghị định số 58 ban hành Điều lệ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Chủ trương này đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của toàn dân. Bởi đây là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm huy động sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức, cá nhân để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của người có thẻ BHYT khi ốm đau, bệnh tật.

Qua 10 năm thực thi Nghị định 58/CP cho thấy, chính sách này góp phần to lớn vào việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngày 14-11-2008, Luật BHYT được Quốc hội khóa 12 thông qua chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, một lần nữa khẳng định sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu. Đồng thời mở ra một chặng đường mới, công tác bảo hiểm y tế cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tạo niềm tin hơn nữa của người dân.

Hơn 10 năm đưa chính sách BHYT vào đời sống, những kết quả mà thành phố Đà Nẵng đạt được trong công tác này minh chứng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng chung tay, góp sức vì sức khỏe cộng đồng. Năm 1999, thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị định 58/CP, toàn thành phố có 190.236 người tham gia BHYT thì năm 2008 số người tham gia BHYT nâng lên hơn 500 ngàn người, tập trung ở các đối tượng bắt buộc, học sinh, sinh viên, người nghèo và nhân dân.

Năm 1999 có 206 ngàn lượt bệnh nhân có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì năm 2008 có hơn 1,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh từ nguồn BHYT, với tổng chi phí gần 202 tỷ đồng. Điều đáng nói là mỗi năm có hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo ở các lĩnh vực như tim mạch, ung thư, chạy thận nhân tạo đã được cứu chữa từ tấm thẻ BHYT. Ông Nguyễn Văn Kính, bệnh  nhân ung bướu, xúc động cho biết: Chúng tôi không may mắc những căn bệnh hiểm nghèo phải nằm viện điều trị mấy năm rồi, tất cả đều nhờ tấm thẻ BHYT. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước về chính sách này.

Quả thật, BHYT được xem là cứu cánh của người lao động, học sinh, sinh viên, người nghèo không may rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Dư luận xã hội ngày càng đồng tình, hoan nghênh đối với chính sách BHYT.

Từ Nghị định 58/CP đến Luật BHYT là cả một quá trình khẳng định bước phát triển của công tác BHYT trong vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong suốt 10 năm ấy, những người làm công tác BHYT thành phố đã đối mặt với không ít khó khăn, vất vả. Đó là việc tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng để họ tham gia BHYT trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 58/CP; là cuộc cách mạng đổi mới và nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân BHYT tại các cơ sở y tế; là sự cảm thông, chia sẻ để rồi có sự quan tâm kịp thời của ngành BHYT đối với những ca bệnh hiểm nghèo. Nỗ lực ấy là rất lớn, rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều điều trăn trở của lãnh đạo BHXH thành phố trong việc thực hiện công tác BHYT toàn dân.

Làm sao khắc phục, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc để giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho bệnh nhân BHYT; việc phối hợp tốt hơn nữa với ngành Y tế đổi mới cung cách, nâng cao tinh thần phục vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đồng thời nỗ lực hơn nữa nhằm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Ngày 1-7-2009, Luật BHYT chính thức có hiệu lực. Ngày 16-6-2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 829 lấy ngày 1-7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”, nhằm tuyên truyền về Luật BHYT, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Chủ đề hành động của Ngày BHYT Việt Nam năm 2009 là: “BHYT – Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” càng đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ, tinh thần phấn đấu nêu cao y đức hơn nữa của những người làm công tác BHYT, và nhất là của đội ngũ thầy thuốc ngành Y tế. Với tinh thần này, ngành Y tế, BHXH thành phố Đà Nẵng đã có những động thái tích cực như phát động sâu rộng trong toàn ngành nâng cao y đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm hiểu Luật BHYT nhằm tạo chuyển biến rõ nét nhất trong công tác khám, chữa bệnh và thực thi chính sách BHYT cho nhân dân.

Lê Hoa Chi

;
.
.
.
.
.