.

Sức khỏe mạch máu là chìa khóa sự sống

Hãy giữ một trái tim khỏe mạnh để có một cuộc sống tốt hơn. Các nhà chuyên môn cắt nghĩa những yếu tố nguy cơ mà bạn cần biết.

Nói về sự khỏe mạnh của mạch máu là nói về sự khỏe mạnh của quả tim và các động mạch, hay nói khác hơn là sự khỏe mạnh của hệ thống tuần hoàn. Quả tim tham gia vào hệ thống này với vai trò là một cái bơm. Nó bơm máu đi nuôi các bộ phận trong cơ thể qua các động mạch. Các động mạch có thể “mắc bệnh” do một quá trình gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis).

Các mảng (plaque) xơ vữa được tạo thành từ cholesterol, calcium và một số thành phần khác. Chúng có thể “bám” vào thành mạch của bất cứ động mạch nào. Các vị trí thường gặp là động mạch đùi, động mạch cổ tưới máu lên não, các động mạch của tim (động mạch chủ, động mạch phổi) và các động mạch vành cung cấp máu cho hoạt động của quả tim. Khi các mảng xơ vữa hình thành, chúng có thể làm cản trở dòng máu. Mảng xơ vữa ngày càng lớn làm cho lòng động mạch ngày càng hẹp. Tất nhiên máu lưu chuyển qua đấy ngày càng ít hơn. Rồi một ngày không may nào đó, đột nhiên mảng xơ vữa bong ra. Một cục máu (blood clot) sẽ được hình thành từ mảng bong, và như thế bạn có một cục máu đông trong lòng động mạch. Đây là một tai họa. Bởi cục máu đông sẽ bít lấp động mạch, không cho máu di chuyển đến bộ phận của cơ thể mà nó phụ trách. Điều này có thể dẫn đến cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ) hay nhồi máu cơ tim.

Vì xơ vữa là bệnh của tất cả các mạch máu, nên một khi sự tắc nghẽn xảy ra ở bộ phận nào đó của cơ thể, có nghĩa là ở những nơi khác cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng tương tự. Do vậy, không phải là không phổ biến khi có một người tắc nghẽn động mạch tim đang tiếp tục tắc nghẽn động mạch đùi và động mạch não. Toàn bộ hệ thống mạch máu của cơ thể đều bị ảnh hưởng.

Quá trình xơ vữa mạch máu có thể bắt đầu từ khi còn rất trẻ. Cùng với thời gian, một người còn trẻ, đặc biệt là các thanh niên trong xã hội ngày nay, ở độ tuổi từ 20 đến 30 dần hình thành các mảng xơ vữa trong mạch máu. Qua khám nghiệm tử thi ở người chết trẻ tại nhiều nước, các nhà nghiên cứu thấy ở họ mảng xơ vữa đã được hình thành. Như vậy, nói chung quá trình này đã diễn ra qua một khoảng thời gian.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sự hình thành mảng xơ vữa làm cho bạn bị đặt trong tình trạng đe dọa nhiều hơn về các bệnh tim, đột quỵ và những vấn đề sức khỏe khác, như là bệnh mạch máu ngoại vi.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm yếu tố giới tính, yếu tố tuổi tác, yếu tố về máu như cholesterol máu cao, nghiện hút thuốc lá và bệnh tăng huyết áp, gây thêm sự căng thẳng cho mạch máu không những là các cơn đau tim mà còn là các yếu tố đe dọa chính của cơn đột quỵ não, tức tai biến mạch máu não. Bệnh đái tháo đường ngày càng trở nên phổ biến một khi tuổi thọ tăng cao và cân nặng cũng gia tăng. Bệnh đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ chính của các cơn đau tim và đột quỵ.

Một điều đáng mừng là khoa học đã tìm ra các loại thuốc làm chậm quá trình tạo thành mảng xơ vữa. Việc điều trị đúng có thể ngăn chặn hoặc thậm chí là làm đảo ngược diễn tiến bệnh lý của mạch máu. Chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để đạt được kết quả làm giảm sự tắc nghẽn của mạch máu nếu như phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Nếu việc tưới máu bị hạn chế hoặc có các bệnh lý khác chúng ta có thể cố gắng đề phòng sớm sự tắc nghẽn. Hiện nay, trên thị trường cũng đã có các thuốc ngăn chặn sự tiến triển của các mảng xơ vữa.

Bạn có thể giúp cho hệ thống tuần hoàn của mình luôn được khỏe mạnh hoặc làm chậm quá trình xơ vữa mạch máu và các bệnh liên quan nhờ thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Việc thay đổi các hành vi có hại cho sức khỏe như bỏ thói quen phì phèo thuốc lá, lai rai... và tăng cường thể dục thể thao sẽ mang lại nhiều kết quả tốt cho sức khỏe. Khả năng mắc bệnh luôn đồng hành cùng với các yếu tố nguy cơ mà bạn có. Càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh càng cao.

Hãy trao đổi với các bác sĩ để xác định các yếu tố nguy cơ của bạn và đánh giá sự khỏe mạnh của mạch máu bạn. Nên nhớ rằng việc phát hiện sớm là chìa khóa để cho bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Thạc sĩ Y học MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.