Trong y học cổ truyền, hoa lựu cũng là một vị thuốc có tên gọi là “thạch lựu hoa”. Hoa lựu có tính bình, có công dụng chữa được một số bệnh như dưới đây.
Hoa lựu làm món ăn
* Chữa kinh nguyệt không đều
+ Nguyên liệu: Hoa lựu 10 bông, xương sườn heo (1/2 kg), một ít dầu ăn, bột mì 20g, nước tương, đường trắng, giấm, tiêu bột, gia vị.
+ Cách làm: Hoa lựu rửa sạch bằng nước muối. Xương sườn rửa sạch cắt ngắn, cho tiêu, nước tương vào trộn đều cho thấm. Bắc chảo dầu nóng, cho sườn tẩm bột mì vào chảo rán, khi có màu vàng thì vớt ra. Cho thêm đường, giấm, nước tương vào sườn rang cho kỹ, khi sườn chín cho hoa lựu vào xào tiếp, khi hoa lựu mềm là được. Món này có tác dụng chữa kinh nguyệt phụ nữ không đều, chu kỳ kinh đến muộn.
* Phòng cảm mạo
+ Nguyên liệu: 10 bông hoa lựu, 20g bách hợp, một ít dầu ăn, gia vị.
+ Cách làm: Hoa lựu rửa sạch bằng nước muối vớt ra để ráo. Bách hợp bóc từng cánh, bỏ phần cạnh thô, rửa sạch bằng nước trong. Bắc chảo dầu nóng, cho bách hợp vào xào, thêm muối, sau đó cho tiếp hoa lựu và một ít nước vào chảo tiếp tục đảo cho kỹ, nêm nếm gia vị, khi bách hợp có màu trong suốt là được. Món này có tác dụng dự phòng cảm mạo.
Một số bài thuốc từ hoa lựu
* Trĩ có xuất huyết
+ Dùng 7 bông hoa lựu trắng, 9g đường phèn, cả hai đem sắc (nấu) uống trong ngày.
* Chảy máu mũi
+ Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi lấy một chút thoa vào bên trong lỗ mũi. Hoặc hoa lựu 6g đem sắc uống. Hoặc hoa lựu tươi, rửa sạch giã nát rồi nhét vào lỗ mũi.
* Vết thương xuất huyết
+ Hoa lựu khô tán vụn rồi rắc lên vết thương. Hoặc hoa lựu một phần, thạch khô 2 phần, hai thứ sấy khô, tán thành bột mịn, rắc vào vết thương.
* Băng lậu
+ Hoa lựu 9g, trắc bá diệp 9g đem sắc uống. Hoặc hoa lựu 3 - 5 bông đem sắc với một ít rượu để uống.
* Khí hư
+ 3-5 bông hoa lựu, nấu với một ít rượu uống. Hoặc hoa lựu 20g, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi ngâm rửa âm đạo.
* Thoát giang (lòi dom)
+ Hoa hoặc vỏ quả lựu lượng vừa đủ, phèn chua một ít, đem sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ bội tử sao, ngâm hậu môn hằng ngày.
* Đau nhức răng
+ Dùng một ít vỏ của rễ và vỏ thân lựu nấu lấy nước đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.
* Chữa đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy ra máu
+ Hoa lựu, rau sam mỗi loại độ 50g; cỏ nhọ nồi, rau má, kim ngân hoa mỗi loại 30g, và rễ cúc áo hoa vàng 10g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, cắt nhỏ, nấu với 2-3 lần nước, rồi cô thành cao lỏng, trộn với sirô với tỷ lệ 1/1. Người lớn: mỗi lần uống 4-6 thìa cà-phê; trên 10 tuổi: 2-3 thìa cà-phê. Ngày dùng 2 lần.
Ngoài ra, vỏ quả lựu 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với rễ cây phèn đen 10g, sao vàng, hạ thổ, uống chữa kiết lỵ. Hoặc vỏ quả lựu, đảng sâm, bạch truật, cam thảo, mỗi thứ 5-10g, bào khương (gừng đã chế) 3-5g đem sắc uống.
Bích Trâm (st)