.

Cóc vàng - Chất lượng “vàng”?

Người ta gọi là “cóc vàng”, đơn giản là vì... da nó màu vàng. Nhìn chung da cóc có hai màu vàng và đen. Về mặt tâm lý, trông cóc đã xù xì, xấu xí mà khoác áo choàng đen thì thật là không bắt mắt chút nào, nên nhóm cóc khoác áo vàng đã lên ngôi đầu bảng. Và cũng chính vì thế mà “cóc vàng” bị bắt nhốt lồng, hằng ngày diễu qua các phố phường để hóa kiếp.

Dù là cóc vàng hay cóc đen thì hàm lượng dinh dưỡng của chúng có chứa các thành phần như sau: Đạm (Protid) 53,37%, chất béo (Lipid) 12,66%, đường (Glucid) chiếm tỷ lệ không đáng kể. Ngoài ra, trong thịt cóc có chứa một lượng đáng kể các yếu tố vi lượng như mangan, kẽm, vitamin A và vitamin D3... Riêng vitamin D3 là chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa calci - phosphore giúp cho xương phát triển nên có tác dụng chống còi xương ở trẻ nhỏ. Do vậy trước đây, khi điều kiện kinh tế khó khăn thì nhiều người dùng món thịt cóc để cải thiện cho trẻ em nhờ hàm lượng đạm cao và thành phần vitamin D3 với tác dụng như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, hiện nay rất ít người dùng vì đã có quá nhiều loại thực phẩm thành phần dinh dưỡng cao và an toàn. Dùng thịt cóc, dù cóc vàng hay cóc đen đều là lợi bất cập hại, bởi các lý do sau đây: Những nốt sần trên da cóc, gan, trứng và tuyến mang tai đều có chứa nhóm độc tố gây chết người là Bufotoxin. Chất này gây độc cho hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch và tiêu hóa.

Lời khuyên sau cùng là tốt hơn hết nên dùng những loại thực phẩm không phải là cóc. Còn nếu dùng thì phải biết cách làm thịt cóc, loại bỏ tất cả các thành phần mang độc tố như đã nói ở trên.

Ths.BsCKI. MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.