Nửa đêm ôm con cấp cứu
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân đang giải thích những nguyên nhân gây bệnh cho trẻ em trong mùa hè. |
Bé Q.N con chị L. do sinh thiếu tháng nên dù chăm sóc rất kỹ nhưng cơ thể yếu và suy dinh dưỡng. Các bác sĩ cho biết, tình trạng của bé là khá nặng, phải dùng kháng sinh liều cao chích mỗi ngày. Tuy vậy, khả năng tái phát bệnh rất cao do sức đề kháng yếu nên người nhà cần phải chăm sóc kỹ mới nhanh lành bệnh.
Nhập viện tại phòng Nhi tiêu hóa, thuộc khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 27-3, đến nay bé M.P con chị M. vẫn trong tình trạng sốt nóng liên tục trên 38 độ. Điều đáng nói là do chị M. ban đầu không biết con mình mắc bệnh suy hô hấp kèm theo tiêu chảy nên cứ để cháu ở nhà tự mua thuốc điều trị. Sau 4 ngày tự điều trị, thấy con bệnh càng trở nặng nên nửa đêm chị M. hốt hoảng bế cháu vào bệnh viện cấp cứu với tình trạng co giật, nôn mửa, sốt 39 độ.
Vừa cầm chiếc quạt giấy phe phẩy khi con chợt giấc, chị M tâm sự: “Ban đầu thấy cháu sốt tôi lại nghĩ nó bình thường, ai ngờ càng ngày bệnh càng trở nặng phải dùng kháng sinh mạnh. Mấy ngày ni hai vợ chồng lo muốn đổ bệnh, việc làm bỏ dở.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, điều trị phòng Nhi hô hấp cho biết, có rất nhiều trường hợp ban đêm người nhà đưa trẻ vào cấp cứu, trong đó không ít trường hợp bệnh nặng do thời tiết chuyển mùa. Hầu hết trong số trên 60 ca bệnh nhi hô hấp đang điều trị tại bệnh viện đều là bệnh nặng, phải điều trị dài ngày. Ngặt nỗi, mỗi giường bệnh phải bố trí từ 2 đến 3 bệnh nhân, trong điều kiện thời tiết nắng nóng khiến cho việc thu dung, điều trị và vệ sinh cho trẻ nhỏ gặp không ít khó khăn.
Tại các Trung tâm Y tế quận, huyện số lượng bệnh nhân nhi đến khám cũng tăng lên do ảnh hưởng thời tiết. Chủ yếu vẫn là trẻ em mắc bệnh tiêu chảy, viêm phế quản ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi.
Cẩn trọng thiết bị làm lạnh
Hôm đi dự đám cưới bạn, chị Th. cùng chồng chở theo đứa con gần 1 tuổi trên ô-tô. Do sơ ý, chị bật hệ thống làm lạnh trong xe tối đa khiến cho con chị tối đến xuất hiện chảy nước mũi, ho. Bác sĩ khám cho biết, do hệ thống lạnh thổi quá gần mũi trẻ nên khí lạnh ảnh hưởng đến xoang mũi, viêm long đường hô hấp.
Theo bác sĩ Thanh Vân, thường thì trong những ngày nắng nóng, máy lạnh, quạt máy của nhiều cơ quan, hộ gia đình được mở hết công suất để hạ nhiệt. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường trong phòng kín và ngoài đường khá cao. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng sẽ gây nên một số bất thường, choáng, say nắng, cảm đối với nhiều người. Việc liên tục để quạt và máy lạnh ở nhiệt độ thấp cũng sẽ gây hạ thân nhiệt, dẫn đến nhiễm lạnh, cảm lạnh trong mùa nóng, đặc biệt là vào ban đêm và lúc trời gần sáng.
“Điều nguy hiểm đối với trẻ nhỏ là máy lạnh làm khô không khí, luồng quạt thổi thẳng vào đường mũi họng cũng gây ra các bệnh đường hô hấp như: viêm mũi, viêm xoang, suyễn… Không nên để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, chỉ nên điều chỉnh khoảng 25-28oC. Không nên nằm máy lạnh suốt đêm mà nên tận dụng hơi mát tự nhiên, mở cửa thông thoáng. Vì khi ngủ, cơ thể không vận động, thân nhiệt sẽ hạ thấp, việc nằm máy lạnh rất dễ bị cảm lạnh, viêm thanh quản cấp. Trong mùa nóng cũng không nên uống nước đá nhiều và liên tục. Uống như vậy, vùng hầu họng bị nhiễm lạnh, giảm sức đề kháng gây cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan”, bác sĩ Vân cảnh báo.
Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường như sốt cao, tiêu chảy liên tục kèm biểu hiện ăn vào là nôn liên tục thì cha mẹ nên khẩn trương đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để khám và can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng nặng xảy ra.
Bài và ảnh: D.MINH