Hằng năm, đến mùa đông, khi cây dâu đã thưa lá, người ta tiến hành cắt bỏ các phần thân già để sang xuân cho cây nẩy lộc đâm chồi. Với những cây dâu nhiều năm, năng suất lá đã giảm thường được đào cả gốc để giâm cành mới.
Chế biến “tang bạch bì”: Lấy tang bạch bì cắt thành từng đoạn 3-4cm, tẩm với mật ong, cứ 1.000g tang bạch bì dùng 150g mật ong. Thêm một ít nước sạch vào mật ong, thường tỷ lệ 1:1. Quấy đều rồi đổ vào tang bạch bì, vừa trộn vừa bóp cho mật ngấm đều. Ủ 1-4 giờ, sao nhỏ lửa đến khi vị thuốc có màu vàng đậm, sờ không dính tay, có mùi thơm của mật ong là được. Sau khi sao chế như vậy, tang bạch bì rất dễ bị hút ẩm, chảy nước và dễ mốc. Cần bảo quản nơi thông thoáng và thường xuyên chăm sóc. Tốt nhất nên sao chế lượng đủ dùng cho từng đợt.
Theo y học cổ truyền, vị thuốc ngọt, tính bình, không độc; quy kinh: tâm, phế, tỳ, vị, đại tràng. Công năng thanh phế chỉ khái, kiện tỳ, nhuận táo. Tang bạch bì được dùng trong một số trường hợp sau:
- Trị ho ra máu: tang bạch bì tán bột, ngày uống 10-20g với nước cơm. Uống liền 1 - 2 tuần lễ.
- Trị ho do phế nhiệt, viêm phế quản, khó thở, viêm họng có sốt: tang bạch bì, địa cốt bì, mỗi vị 20g; cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2 - 3 tuần lễ.
- Trị các chứng ho có đờm đặc, khó thở hoặc viêm phổi: tang bạch bì, hoàng liên, hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi thứ 12g; kim ngân hoa, ngư tinh thảo, lô căn, đình lịch tử, mỗi vị 20g; liên kiều 16g, ma hoàng 8g, cam thảo 6g, thạch cao 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2 - 3 tuần lễ.
- Trị ho có phù do thận: tang bạch bì 20g, đậu đỏ 40g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2 -3 tuần lễ.
Bích Trâm (st)