Mặc dù thành phố có nhiều chính sách đãi ngộ cho các sinh viên ngành y-dược tình nguyện về miền núi và nông thôn công tác, nhưng đến nay, ngành Y tế huyện Hòa Vang vẫn chưa nhận hồ sơ nào. Và như thế các y, bác sĩ tuyến cơ sở tiếp tục “ngập” trong công việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hơn 14 ngàn dân/1 bác sĩ…
Mặc dù giờ trưa nhưng vẫn có người đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. |
Việc thiếu bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở đã gây nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Hiện nay, tình trạng quá tải tại tuyến cơ sở đã đến mức cao điểm. Theo bác sĩ Sỹ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, 78 bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, dược sĩ và điều dưỡng (kể cả 11 chuyên trách dân số-KHHGĐ) ở 11 trạm y tế đã khám, điều trị trên 34.500 lượt bệnh nhân, trung bình mỗi trạm y tế “tiếp” 1.500 lượt người bệnh/tháng. Trong số nhiều trạm y tế phải chịu cảnh quá tải thì Trạm Y tế Hòa Phong thường xuyên “ngập” trong công việc.
Theo y sĩ Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng trạm cho biết, mỗi ngày trạm khám, chữa bệnh từ 120-130 lượt bệnh nhân, lúc cao điểm lên gần 200 người. Với số bệnh nhân như thế thì 6 y - bác sĩ cùng nữ hộ sinh, điều dưỡng và dược sĩ của trạm phải chịu cảnh “xẻ” mũi thở mới đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đã vậy, tuyến y tế cơ sở đâu chỉ dừng lại ở khám, chữa bệnh mà phải thực hiện các chương trình y tế quốc gia, phối hợp tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, v.v… “Chúng tôi phải “gồng mình” làm đêm, làm ngày, thậm chí trạm phải tiết kiệm các khoản chi để hợp đồng thêm 4 nhân viên mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân” - y sĩ Huệ tâm sự.
Bao giờ có bệnh viện?
Gần 5 năm sau ngày chia tách quận Cẩm Lệ đến nay, huyện Hòa Vang vẫn chưa có bệnh viện. Do không có nơi khám chữa bệnh nên người dân phải xuống Cẩm Lệ hoặc phòng khám tư nhân để chăm sóc sức khỏe. Ông Phan Công Chức, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương bức xúc nói: “Mỗi khi đi khám bệnh phải xuống tới Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ, lại gặp phiền phức về thủ tục nên nhiều khi tôi chấp nhận “ủ” bệnh.
Theo bác sĩ Trần Sỹ, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập nhưng không có nơi làm việc. Hiện nay, cán bộ, nhân viên phải mượn phòng của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình để làm việc. Nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công tác y tế dự phòng; phòng, chống dịch bệnh và triển khai một số chương trình, mục tiêu y tế quốc gia… chứ không trực tiếp phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong khi đó, Bệnh viện Hòa Vang với quy mô 150 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư gần 87 tỷ đồng nhưng vẫn còn nằm trên… giấy.
Để có nơi điều trị và chăm sóc sức khỏe, người dân Hòa Vang đang mong chờ các ngành chức năng khẩn trương triển khai dự án xây dựng bệnh viện để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, nhất là các xã miền núi còn quá khó khăn, thiếu thốn về y tế.
Bài và ảnh: Hạ Sơn