Khác với mọi năm, dịch sốt xuất huyết (SXH) năm nay đã diễn ra trong những ngày đầu tháng 4 và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, rất đáng lo ngại. Những ngày qua, theo chân các cán bộ chống dịch của Trung tâm Y tế dự phòng, chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đáng lo ngại của loại dịch bệnh này.
Người dân chưa chủ động phòng ngừa
Tính đến thời điểm này, mặc dù chưa xuất hiện trường hợp tử vong nào, nhưng dịch SXH đang âm ỉ và có nguy cơ bùng phát. Khu vực thuộc tổ 3, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) là nơi đã xuất hiện liên tiếp bệnh nhân SXH trong thời gian gần đây. Trên con đường đất dẫn vào nhà một bệnh nhân SXH, ở các lô đất bỏ hoang, những bụi rậm mọc cao quá đầu, chai lọ, vỏ dừa vất bừa bãi, trông rất nhếch nhác, dễ phát sinh muỗi. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, đây có thể là nơi phát sinh những ổ dịch muỗi gây bệnh. Điều đáng nói, khu vực này chỉ cách Trạm Y tế phường vài trăm mét.
Nhiều khu dân cư ở phường An Hải Tây (Sơn Trà) rất dễ phát sinh muỗi gây bệnh do cây cỏ mọc um tùm. TRONG ẢNH: Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đi kiểm tra thực tế tại khu dân cư có người mắc bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chị Ngô Thị Bé ở tổ 3, phường An Hải Tây cho biết, 4 ngày trước, khi khu vực này xuất hiện bệnh nhân SXH, Đội Y tế dự phòng quận đã đến phun thuốc diệt muỗi, xử lý môi trường. Song, mấy ngày qua, muỗi vẫn xuất hiện trở lại khá nhiều. Đáng lo ngại là khu vực này có nhiều trẻ em. Chị Thu Vân, cán bộ Trạm Y tế phường cho biết, từ đầu năm đến nay, phường An Hải Tây là địa bàn có số người mắc SXH cao nhất ở quận Sơn Trà, với hơn 20 ca bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận, ngay tại khu vực Trung tâm Y tế quận cũng đã xuất hiện muỗi và Đội phải phun thuốc xử lý môi trường khu vực này. Lý giải hiện tượng đã phun thuốc nhưng muỗi vẫn xuất hiện trở lại, các chuyên gia dịch tễ học nghiên cứu về bệnh SXH cho biết, rất có khả năng muỗi gây bệnh đã nhờn thuốc, bởi ở một số tổ dân phố, bệnh nhân mắc bệnh trở lại sau khi khu vực đó đã được phun hóa chất diệt muỗi. Do vậy, phun thuốc diệt muỗi đôi khi cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Năm 2009, địa bàn quận Liên Chiểu được xem là một trong những ổ dịch SXH nguy hiểm. Thời gian gần đây, tại một số khu dân cư ở các địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam… muỗi đã xuất hiện khá nhiều, song người dân vẫn rất lơ là, chủ quan trong phòng bệnh. Trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, số lượng sinh viên các trường ĐH, CĐ ở trọ rất đông, nhiều sinh viên không quan tâm đến vệ sinh môi trường, vất bừa bãi các loại rác thải, nước thải sinh hoạt. Nhiều sinh viên ngủ không mắc màn. H, sinh viên Trường ĐHSP Đà Nẵng, ở trọ tổ 21 phường Hòa Khánh Nam nói vẻ chủ quan: Bọn em cũng hay bị muỗi đốt, nhưng có thấy đứa nào bị SXH đâu? Trong khi đó, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận đã có 49 ca mắc bệnh SXH, Đội Y tế dự phòng quận đã kịp thời dập tắt 18 ổ dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2010, toàn thành phố ghi nhận gần 700 trường hợp SXH. So với cùng kỳ năm 2009, bệnh nhân mắc SXH tăng gấp nhiều lần!
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, không chỉ tăng về số lượng, dịch SXH năm nay còn có biểu hiện phức tạp, với nhiều ca bệnh nặng, chủng virus gây bệnh cũng nguy hiểm hơn mọi năm. Năm nay, số lượng bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết nặng tăng nhiều hơn, có những trường hợp bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc, huyết áp không đo được, không bắt được mạch. Thậm chí có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn...
Theo các bác sĩ, ngoài những thay đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân chủ quan của người bệnh (tự điều trị SXH tại nhà do ít kiến thức về SXH), phát hiện bệnh muộn, thì số ca nặng tăng và tỷ lệ tử vong cao một phần là do virus týp D1, loại gây SXH nặng và cấp tính. Điểm đặc biệt của týp SXH năm nay là tiểu cầu của người bệnh hạ nhanh, có người khi đến bệnh viện chỉ còn 4-5 tiểu cầu/ml máu, nếu không được truyền dịch ngay, sẽ tử vong. Điều đáng lưu ý nữa, týp virus năm nay ít biểu hiện chảy máu chân răng, nhưng xuất huyết tiêu hóa nhiều, biến chứng nhanh, với người lớn từ ngày thứ 5-7, trẻ em từ ngày thứ 3-4.
Do năm nay dịch SXH, tay-chân-miệng, cúm A/H1N1 chồng lên nhau cùng một lúc. Cả ba bệnh này đều có triệu chứng ban đầu là sốt nên rất khó phân biệt bị SXH hay bị bệnh tay-chân-miệng hoặc cúm A/H1N1. Thực tế đã có những trường hợp nghi bị tay-chân-miệng cho nhập viện theo dõi nhưng sau đó lại là SXH. Có những trường hợp lúc đầu nghi là SXH nhưng lại là cúm A/H1N1.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, có một triệu chứng của bệnh SXH rất đáng lo ngại mà nhiều người mắc bệnh rất dễ chủ quan, đó là việc ngưng sốt, bệnh nhân cứ nghĩ đã hết bệnh, nhưng đến thời điểm bệnh trở nặng, người lại lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít, xuất huyết chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen… Gặp trường hợp này, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay lập tức để điều trị. Tuyệt đối không cho người bệnh uống kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng cữ ăn, không nhịn uống... Ngoài ra, để phòng tránh bệnh SXH, người dân phải thường xuyên nằm ngủ màn, vệ sinh khu vực xung quanh nhà, diệt muỗi...
Hòa Khánh-Diệu Minh