.

Ẩn họa từ thức ăn đường phố

.

Trên những gánh hàng rong, xe đẩy trên các đường phố chỉ có vài xô nước rửa chén đũa, nhưng có khi “phục vụ” hàng trăm khách hàng hối hả ăn sáng cho kịp giờ làm, công nhân kịp giờ nghỉ ca, học sinh hết tiết sắp vào lớp... Thức ăn thừa có nơi được bỏ vào thùng chứa, nhưng cũng có nơi đổ thẳng xuống các miệng cống thoát nước, rất mất vệ sinh.

Gánh hàng ăn vỉa hè góc đường Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai mỗi ngày phục vụ hàng trăm thực khách. 

Nhìn thấy là sợ!

Từ 5 năm nay, tại góc giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Lai, buổi sáng luôn tấp nập những hàng quán ven đường với đủ món như mì, bún, bánh ướt, bánh bao, bún mắm... Chỉ có điều, do tận dụng vỉa hè để bán với bàn ghế lụp xụp, sát những cống rãnh nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hầu như không được người bán chú trọng.

Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy những người bán hàng tại đây xem nhẹ quy định đề phòng ngộ độc thức ăn cho khách hàng. Tại hàng bán mì chay vào những ngày rằm, mồng 1 thường đông khách, nên người chủ hàng tay luôn làm việc, từ bốc mì, lấy rau sống đến dọn bát đũa thực khách đã ăn xong. Những chồng bát đũa không rửa kịp để ngay sát miệng cống, ruồi bu bám trông rất mất vệ sinh.

Gần đây, vào khoảng 4 đến 5 giờ chiều, trên đường Đống Đa lại xuất hiện những xe đẩy bán đầu, cánh, cổ, chân gà nướng. Tất cả nằm trên một chiếc xe tự chế... với những khay nướng để ngay lề đường bụi khói mù mịt. Trên lề đường Huỳnh Thúc Kháng tuy nhỏ hẹp nhưng từ sáng đến tối, hàng chục hàng quán thức ăn đường phố ở đây vẫn tấp nập. Người ăn uống cứ... vô tư, mặc cho xe cộ chạy ngang phun khói, vấy bụi vào thức ăn.

Có thể nói, bất cứ chỗ trống nào trên đường phố có thể tận dụng được làm nơi buôn bán thức ăn thì người dân tranh thủ để kinh doanh. Mặc cho lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý nhưng nhiều hàng quán vẫn cố bám trụ để buôn bán. Tuy nhiên, điều đáng nói là những vụ ngộ độc xuất phát từ những hàng quán này không ai kiểm chứng, thống kê được và người ăn phải bấm bụng chịu “tiền mất, tật mang”.

Coi chừng tiêu chảy cấp

Một chị bán cóc, xoài, ổi ngâm đường hóa học trên đường Lê Lợi, đoạn gần Sở Giáo dục-Đào tạo than thở: “Tôi biết những thức ăn này không bảo đảm an toàn vệ sinh nhưng vẫn bán, vì không bán thì biết làm chi đây? Với lại, mấy đứa học sinh  rất thích ăn thì tôi bán”. Nhiều người khi được hỏi cùng có một cách lý giải kiểu như có cầu thì mới có cung cho nên những hàng rong này vẫn mặc nhiên tồn tại.

Cả nước đang đối mặt với dịch tiêu chảy cấp rất nguy hiểm. Những ghi nhận gần đây cho thấy việc sử dụng thực phẩm từ nguồn thức ăn đường phố (TAĐP) thường là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy vậy, đối tượng bán TAĐP chủ yếu là lao động nghèo, học vấn thấp, nên những quy định của pháp luật về ATVSTP hầu như không nắm được. Điều nguy hiểm cho người tiêu dùng là hầu hết nguồn nước sử dụng chế biến TAĐP không bảo đảm, đây cũng là nguyên nhân gây các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, đã có không ít  khách hàng khi ăn TAĐP bị ngộ độc gây ói mửa, tiêu chảy, đau bụng ngay sau khi ăn, trong số đó không ít trường hợp phải nhập viện điều trị. Điều đó cho thấy TAĐP đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà đến nay chưa có bất cứ giải pháp nào khả thi.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chánh thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, hiện chưa có con số chính xác toàn thành phố có bao nhiêu hàng quán thức ăn đường phố, bởi việc xuất hiện của loại hình kinh doanh  này ví như nấm mọc sau mưa, thoắt ẩn, thoắt hiện. “Đối với loại hình kinh doanh thức ăn kiểu này, rất khó để áp dụng các tiêu chí để cấp phép, do vậy việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm rất khó khăn” - ông Hòa chia sẻ.

Bài và ảnh: Diệu Minh

;
.
.
.
.
.