Gần 30 năm trôi qua kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện (1981), đại dịch HIV/AIDS đã bùng nổ và cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người và làm cho 35 triệu người khác đang nhiễm bệnh. Mỗi ngày trôi qua, thế giới có thêm 1.600 trường hợp trẻ sơ sinh mắc HIV mới. Nếu không can thiệp ngay từ bây giờ, nhiều trẻ em sinh ra vẫn có khả năng phơi nhiễm HIV mà bố mẹ các em không hề biết.
Can thiệp càng sớm, càng hiệu quả
Tầm soát HIV cho bà mẹ và trẻ em sẽ góp phần kiểm soát bệnh nhân nhiễm mới trong cộng đồng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Nhận thức tầm quan trọng của chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trong đó, xác định dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược này.
Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong năm 2009, lần đầu tiên một chiến dịch dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai tại thành phố Đà Nẵng, với kết quả 1.000 phu nữ mang thai tại tuyến xã, phường được tư vấn, nhiều trường hợp đã đồng ý làm xét nghiệm HIV. Kết quả, 1 phụ nữ đã có kết quả dương tính. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Út, phạm vi tiếp cận của chương trình chưa rộng, nhất là vẫn còn nhiều phụ nữ e ngại, từ chối hợp tác, xét nghiệm máu. Do vậy, mục tiêu của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2010 là vận động 1.500 phụ nữ mang thai ở tuyến xã, phường được tư vấn, xét nghiệm HIV. Từ đó có thể can thiệp cho những trường hợp phát hiện dương tính.
Dịch vụ trọn gói cho mẹ và con
Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng chia sẻ, nếu một phụ nữ mang thai muốn biết mình có bị nhiễm, con mình có nguy cơ nhiễm bệnh hay không thì hãy đến các phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và Bệnh viện Đà Nẵng. Riêng tại Khoa sản - Bệnh viện Đà Nẵng đang triển khai dịch vụ trọn gói cho cả mẹ và con khi phát hiện nhiễm HIV.
Khi đến đây, bà mẹ được các bác sĩ tư vấn, xét nghiệm trong quá trình khám thai, nếu phát hiện nhiễm bệnh, bà mẹ sẽ được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bằng thuốc ARV, khi đứa trẻ được sinh ra, Dự án sẽ cung cấp sữa và thuốc điều trị dự phòng đến 18 tháng tuổi. Sau đó, cả mẹ và con sẽ được chuyển tiếp tới phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em để được chăm sóc và tiếp tục theo dõi điều trị.
Để thực hiện có hiệu quả Tháng hành động phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2010, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 30-6, các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế 56 xã, phường tại thành phố sẽ tiếp nhận, tư vấn, lấy mẫu máu và chuyển mẫu đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố. Ngành Y tế thành phố đang hướng đến mục tiêu thực hiện tư vấn, xét nghiệm cho khoảng 95% phụ nữ mang thai và 95% trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ trọn gói này.
Trên thực tế, thai phụ nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ này càng sớm thì khả năng lây nhiễm sang con sẽ giảm còn dưới 5%. Do vậy, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đầy đủ cho tất cả bà mẹ, trẻ em trong độ tuổi mang thai sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe toàn diện cho phụ nữ, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV cho những đứa trẻ tại cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: Diệu Minh