Những con số cảnh báo...
Trưa ngày 3-7-2010, có 240 người đến dự đám cưới của nhà ông Nguyễn Mai ở thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Sau khi dự đám cưới về có 27 người đã đến khám tại trạm Y tế xã Hòa Sơn với các triệu chứng tương tự nhau là: Nôn ói kéo dài và co giật tay chân… Theo bà Nguyễn Thị Đệ, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Sơn thì đã có 21 người trong số đó bị ngộ độc thực phẩm rất nặng phải chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên; bên cạnh đó còn có rất nhiều người khác trong xã có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm nhưng đã tự mua thuốc để chữa tại nhà. Cô dâu của đám cưới này là N.T.X. cũng là nạn nhân của vụ ngộ độc tập thể.
Chợ lộ thiên, hàng hóa bày giữa bụi và nắng là một trong những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. |
Trước đó, trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở Công ty TNHH Yonezawa VN đóng tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ làm hơn 30 công nhân phải nhập viện trong tình trạng mặt mày tím tái, nôn ói và co giật, thậm chí có trường hợp ngất xỉu… Lấy mẫu từ thức ăn của số công nhân bị ngộ độc này để xét nghiệm, cơ quan chức năng cho biết: Đậu khuôn sốt cà có chỉ số coliforms vượt hơn 7 lần mức giới hạn cho phép, khuẩn E.coli cao gấp gần 5 lần, tụ cầu vàng vượt 2 lần cho phép; thịt kho cũng có chỉ số coliforms vượt hơn 2 lần, khuẩn E.coli vượt gần 10 lần, tụ cầu vàng quá mức cho phép. Ngành Y tế thành phố khẳng định, vụ ngộ độc tập thể là do các loại vi khuẩn này gây nên.
Một kết quả kiểm tra các quán cơm gần trường học trên địa bàn thành phố thời gian gần đây cũng cho thấy: Hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều thiếu các điều kiện tối thiểu khi chế biến và kinh doanh thực phẩm, cụ thể là không có giấy phép về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc là có nhưng đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra còn phát hiện nhiều cơ sở đặt nơi nấu nướng rất gần khu vệ sinh; thực phẩm đặt bừa bãi trên nền nhà; nhiều nhân viên chế biến thức ăn tại các cơ sở kinh doanh chưa được tập huấn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước thực tế này, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế Đà Nẵng đã thành lập 5 đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra và nhắc nhở khoảng 150 quán ăn, hàng rong trước cổng các bệnh viện trên địa bàn, thực hiện đúng 10 tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sử dụng nguồn nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn riêng, không để lẫn thức ăn sống, sử dụng găng tay, tạp dề, mũ trong quá trình chế biến thức ăn…
Nhìn chung, vệ sinh an toàn thực phẩm từ các quán ăn nhỏ cho đến các bếp ăn tập thể lớn vẫn còn nhiều tồn tại. Dường như, các lực lượng kiểm tra cũng chỉ mới hoạt động theo kiểu “đến hẹn lại lên” và chủ các bếp ăn trên địa bàn cũng chỉ mới nghiêm túc theo kiểu “đối phó là chính”… Trong khi đó, nguy cơ về ngộ độc thực phẩm vẫn luôn chực chờ người sử dụng, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng triền miên...
Thực phẩm trên thị trường rất khó quản lý...
Chúng ta có thể khẳng định rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung thời gian gần đây, trước hết phải nói đến sự thiếu trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm đến người tiêu dùng. Hàng nghìn quán cơm, bún, cháo, phở... mọc quanh các trường học, bệnh viện, nhà ga, bến xe, trong các chợ và gần những nơi quy tụ nhiều đối tượng lao động phổ thông hằng ngày tung ra thị trường một lượng lớn thực phẩm.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm ấy từ khi được đem bán ở chợ cho đến lúc được các chủ quán mua về chế biến thành thức ăn để bán cho người tiêu dùng là một việc vô cùng nan giải. Nhiều loại thực phẩm đã được khuyến cáo là tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn độc hại, nhưng vẫn được bày bán công khai trên thị trường và người tiêu dùng vẫn rất vô tư trong việc tiêu thụ những loại thực phẩm đó. Một kết quả xét nghiệm từ ốc hút cho thấy, trong loại thực phẩm này có chứa một lượng lớn vi khuẩn E.coli (loại vi khuẩn có nhiều nhất trong phân người-NV).
Ngoài ốc hút các loại ra, thịt chó cũng là một nguồn thực phẩm trôi nổi không qua kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng được bày bán rất nhiều trên thị trường và món thực phẩm này cũng thu hút khá đông người tiêu dùng. Không ai có thể nghĩ được rằng những con chó vàng ươm được chủ của những quán “cầy tơ” bày bán mỗi ngày ấy là những con chó bị bọn “cẩu tặc” đánh bả, những con chó bệnh, thậm chí là những con chó đã chết từ 1 đến vài ngày vẫn được xẻ thịt rồi phun màu để quay…
Hàng nghìn quán tiết canh, cháo lòng vẫn tồn tại từ rất nhiều năm qua trong mọi ngóc ngách của đô thị. Không ai kiểm tra cả, người bán cứ bán, người ăn cứ ăn, chỉ đến khi nào có người mắc phải ngộ độc, hay bị dính phải khuẩn tả mới tạm dừng sử dụng, thế nhưng đến lúc lành bệnh thì… tiết canh lòng lợn vẫn được đánh chén như thường. Bên cạnh thức ăn là nước uống, mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai, bình thì đã phát hiện được 9 cơ sở sản xuất không bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong số này có những mẫu nước nhiễm cả khuẩn coliform (tác nhân gây bệnh đường ruột, tiêu chảy...).
Cũng trong thời gian vừa qua, nhiều cơ sở chế biến mỡ động vật như cơ sở của ông Nguyễn Đức Dũng ở tổ 22, phường Hòa Phát và cơ sở của ông Hồ Minh Tín ở tổ 16, phường Hòa An (cùng quận Cẩm Lệ) đã bị lực lượng chức năng đóng cửa vì không có đăng ký kinh doanh, không có chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và không có cam kết bảo vệ môi trường… Cùng thời điểm này, cơ sở sản xuất giá đỗ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý ở tổ 14, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ đã bị lực lượng kiểm tra liên ngành tạm đình chỉ hoạt động do phát hiện cơ sở này ngâm hóa chất công nghiệp để tẩy trắng giá đỗ.
Điều đáng nói là hóa chất Sodium Hydrosufite mà hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý sử dụng để “ảo thuật” giá vàng thành giá trắng là hóa chất dùng để tẩy thuốc nhuộm, chế biến xà phòng trong sản xuất công nghiệp, nếu ngửi trực tiếp con người sẽ cảm thấy khó thở, nếu bị tiếp nhiễm lâu dài có thể gây ung thư…
Nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn trong bất cứ loại thực phẩm sống chín nào được bày bán tại các chợ và trong các quán ăn. Rõ ràng những thông tin trong phạm vi một bài báo nhỏ chỉ là một phác thảo chưa đầy đủ cho bức tranh ảm đạm về thực trạng an toàn thực phẩm ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước ta nói chung hiện nay. Vấn đề ở chỗ là cả nhà sản xuất, cung cấp lẫn người tiêu dùng ngày càng phải ý thức hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Các cơ quan hữu trách ngày càng quyết liệt hơn trong khâu cấp phép và kiểm tra từ thực tế cuộc sống.
Bài và ảnh: BẢO THY