.

Chất lượng ATVSTP: Bao giờ hết lo?

.

Một cuộc thăm dò ý kiến trong nhóm khoảng 20 bà nội trợ được chúng tôi tiến hành gần đây tại một số chợ lớn của thành phố cho thấy, những người chuyên lo cái ăn của gia đình ngày càng lo lắng trước những thực phẩm không bảo đảm về chất lượng an toàn vệ sinh được bày bán khắp nơi.

Ăn chi cũng lo

Thực phẩm bẩn được Thanh tra Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây.
TRONG ẢNH: Sản xuất bò khô không bảo đảm vệ sinh.

10 năm nay, chị Nguyễn Thị Tố Vân, trú tại quận Hải Châu ở nhà để lo việc nội trợ cho gia đình. Chuyện bếp núc, ăn cái gì ngon, cái gì phù hợp với lứa tuổi và không đổ bệnh từ nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày được chị nghiên cứu kỹ qua sách báo. Chị kể, chồng chị thích món cá vược kho dưa cải. Mới đầu chị đi chợ mua về làm cơm ăn cả gia đình thấy ngon.

Tuy vậy, thời gian sau này gia đình chị không chuộng món này nữa vì một hôm mua dưa cải về chuẩn bị chế biến, chị “đánh hơi” thấy mùi thuốc trừ sâu vẫn còn nồng nặc. “Thấy báo, đài hai ba tháng lại đưa tin về thực phẩm bẩn, cho nên ăn chi cũng lo chú ơi, tôi nghe mấy người kháo nhau là bữa ni có người vì lợi nhuận nên khi làm đậu khuôn còn bỏ thêm bột thạch cao vào trong đó, nghe quá sợ nên cũng không dám sử dụng nhiều” - chị Tố Vân tâm sự.

Chuyện ăn dưa cải nhưng sợ nhiễm độc thuốc trừ sâu, cũng giống như chuyện ăn cá tươi nhưng vẫn lo nhiễm urê mà mắt thường nhiều bà nội trợ không thể biết chính xác. Hầu hết những người được thăm dò ý kiến cho rằng, cá đánh bắt hàng tháng trời trên biển, nếu về đến chợ mà vẫn còn tươi thì đương nhiên là vừa ướp đá, nhưng cũng vừa bỏ thêm urê vào để giữ con cá cứng, không bị ươn trong thời gian chứa ở khoang thuyền hàng tháng trời.

Chị Huỳnh Thị Thủy, trú tại quận Thanh Khê cho biết, điều nguy hiểm là do không được tiếp cận nhiều thông tin từ ngành chức năng nên những người tiêu dùng vẫn phải “mò mẫm” chọn mua thức ăn mà họ cho là có “cảm giác” an toàn.  Cho đến nay, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại thành phố Đà Nẵng mới chỉ thực hiện được trên nhóm thực phẩm là động vật như thịt heo, thịt gà, thịt vịt; còn một số nhóm thực phẩm khác như cá biển, các loại rau, củ, trái cây hầu như khó kiểm soát nổi. Đây rõ ràng là một hạn chế trong việc quản lý chất lượng ATVSTP mà nhiều ngành chức năng như y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ chưa giải quyết rốt ráo được để mang lại an toàn và niềm tin cho người dân. Bởi hiện nay, phần lớn người dân vẫn giữ thói quen đi chợ để mua thực phẩm sử dụng hằng ngày thay vì chọn hệ thống siêu thị.

Phải mạnh tay với cơ sở vi phạm

Lo lắng trước tình hình mất ATVSTP và các vụ ngộ độc xảy ra thời gian gần đây, tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, có đại biểu HĐND đề nghị Sở Y tế cho biết về việc dùng phân urê để ướp cá có được cho phép hay không, và Sở đã kiểm tra chưa và có giải pháp như thế nào để ngăn chặn, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng? Đại diện Sở Y tế cho biết, qua xét nghiệm các mẫu thủy sản tại các bến và các chợ, kết quả cho thấy phát hiện có urê trong cá. Tuy nhiên, hiện các phòng xét nghiệm chưa thể phân biệt được là urê do bên ngoài đưa vào để ướp cá hay do cá tự phân hủy mà có.

Mới đây, 27 người dự tiệc cưới tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Điều đáng nói là cho dù vụ ngộ độc này không quá 30 người, tức là chưa phải là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nhưng việc kiểm tra, tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc được cơ quan chức năng tiến hành quá chậm. Thậm chí, mẫu thức ăn cũng không lấy kịp để xét nghiệm. Do vậy, trách nhiệm của người gây ra vụ ngộ độc trên cho đến nay vẫn không được nhắc đến.

Theo kết quả tổng kiểm tra các quán cơm bụi tại các cổng trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố vừa qua của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ có 60% quán cơm có đủ các điều kiện để cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận ATVSTP. 40% quán cơm còn lại vi phạm quy định đối với cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm như nguồn nước, diện tích, sức khỏe nhân viên, nguồn gốc thực phẩm, điều kiện môi trường, dụng cụ chế biến...

Trong đợt kiểm tra chất lượng ATVSTP tại các hàng quán gần các bệnh viện trong thời gian qua cũng đã phát hiện không ít cơ sở hầu như không bảo đảm các tiêu chuẩn để có thể kinh doanh thực phẩm nhạy cảm như ăn uống. Tuy vậy, việc xử lý vi phạm hiện phần lớn vẫn theo kiểu nhắc nhở sửa chữa, cảnh cáo chứ chưa phạt hết khung theo quy định của pháp luật trong quản lý chất lượng ATVSTP.

Trong hoạt động quản lý nhóm ngành thực phẩm, việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ và đột xuất là khâu rất quan trọng, bởi hoạt động này sẽ nhanh chóng phát hiện việc làm trái pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến. Hiện nay, có hai yếu tố để người tiêu dùng chưa hết lo lắng khi nghĩ về thực phẩm là việc kiểm soát chất lượng thực phẩm thông qua hệ thống giám sát, xét nghiệm, thẩm định đúng, đủ tiêu chuẩn từ nơi sản xuất, chế biến, nuôi trồng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ; bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra thì nhiều nhưng xử lý vi phạm chưa thực sự kiên quyết trên tinh thần vi phạm tới đâu, xử lý nghiêm tới đó.

Bài và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.