Trước thông tin về tăng viện phí, điều người dân băn khoăn nhất là tăng viện phí liệu có tăng được chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, một số lãnh đạo bệnh viện (BV) cho rằng, việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ từng bước góp phần nâng cao chất lượng KCB chứ chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến cuối.
Bệnh nhân: “Xoay” tiền đi chữa bệnh
Viện phí tăng, nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo dù được hỗ trợ BHYT nhưng vẫn khó có thể gánh nổi chi phí tăng thêm. |
Với khung giá mới dự kiến tăng như vậy đã khiến cho người dân lo lắng. Có mặt tại BV Đà Nẵng, nơi tập trung hầu hết bệnh nhân nặng từ các tỉnh chuyển lên, có những người đang trong cơn thập tử nhất sinh, dễ dàng nhận thấy hàng trăm nỗi khổ của người bệnh. Anh Lê Văn Mỹ (tỉnh Quảng Nam) đưa bố lên khám và điều trị bệnh đau cột sống nặng cho biết: “Vào viện là đã thấy vất vả. Trước mắt là phải đóng 2 triệu đồng viện phí. Sau khi xuất viện sẽ làm thủ tục thanh toán bù thêm vô hay được trả lại phần thừa”. “Tôi thấy chưa tăng viện phí mà chi phí chữa bệnh đã tăng chóng mặt. Hơn thế nữa, bệnh viện ở đây đông nghẹt, không biết tăng viện phí thì có giải quyết được tình trạng quá tải bệnh nhân nằm ghép như hiện nay hay không?”- anh Mỹ thắc mắc.
Hiện tại, ở các khoa, phòng tại những bệnh viện lớn của thành phố, các giường bệnh đều nằm chen chúc 2 đến 3 người/giường. Người nhà bệnh nhân kiếm được chỗ nào thoáng, trống thì nghỉ ở chỗ đó, từ ghế đá, hành lang, chân cầu thang, hay sân BV. Nhiều người nhà bệnh nhân ở tỉnh lên đi chăm bệnh cũng ở tại BV để tiết kiệm. “Thuê chỗ trọ ở ngoài lại tốn kém ít nhất chục ngàn đồng/ngày, nên cứ mua chiếc chiếu trải ra hành lang này mà nằm tạm thôi”, một người nhà bệnh nhân quê ở Quảng Ngãi ra chăm con tâm sự. Chị Nguyễn Thị Cót (tỉnh Quảng Nam) có người nhà đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Đà Nẵng cho biết: “Chạy vạy mượn được bà con, hàng xóm hơn 2 triệu đồng đưa bố lên đây, đóng ứng trước viện phí xong còn vài chục ngàn, lo thêm chứ biết làm sao”. Chị Cót cũng chưa biết chạy đâu ra nữa để kéo dài thời gian điều trị bệnh cho người thân.
Chất lượng KCB có tăng?
Đối với người có thu nhập cao, thì có thể mức viện phí mới là chấp nhận được, nhưng với người nghèo thì là cả một vấn đề… Dù chỉ tăng giá của 350/3.000 dịch vụ y tế, nhưng đối tượng người nghèo chắc chắn sẽ bị tăng gánh nặng do chi phí tăng thêm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá của 350 dịch vụ và tăng giá khám bệnh, giường bệnh áp dụng cho cả đối tượng chi trả trực tiếp và người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, mức tăng này về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người (62% dân số) đang có thẻ BHYT, gồm người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… do chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này cơ bản được BHYT chi trả.
Tuy nhiên, với đối tượng người nghèo phải đồng chi trả 5%, dù chỉ là 5% của 350 dịch vụ dự kiến tăng giá thì cũng rất khó khăn, nhất là nhóm bệnh nặng như chạy thận nhân tạo, suy thận mãn… Vì thế, để hỗ trợ người nghèo không có khả năng thực hiện đồng chi trả, Bộ Y tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung quỹ khám chữa bệnh người nghèo; chỉ đạo các BV công lập lập các quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ chi phí 5% có phần tăng lên này.
Cả nước hiện có khoảng 60% người dân tham gia BHYT, ngoài đối tượng bắt buộc là CBCNV, người lao động tại các cơ quan và doanh nghiệp, học sinh - sinh viên, còn lại đối tượng BHYT tự nguyện phần lớn là người có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế, người bệnh nhiều mới mua. Đó là một trong những lý do BHYT chi nhiều hơn thu. Viện phí tăng có thể sẽ tạo ra động lực làm tăng số người mua BHYT, như thế Việt Nam nhanh chóng thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân (đến năm 2014 có 100% dân số có BHYT). Viện phí tăng, người bệnh không có BHYT sẽ phải gánh thêm 7-10 lần chi phí chữa bệnh; người có BHYT cũng sẽ phải gánh thêm 20% của số tiền tăng 7-10 lần đó (vì quỹ BHYT chỉ trả 80%) và có thể, người dân tham gia BHYT sẽ phải đóng mức phí BHYT tăng thêm để cân đối quỹ.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), viện phí tăng kéo theo chất lượng KCB phải tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra. Tuy vậy, vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, nhà cửa, buồng bệnh, các trang thiết bị… Do vậy, với việc điều chỉnh giá viện phí của một số loại dịch vụ, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Qua đó, người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao hơn hiện nay.
Dẫu vậy, nhưng giá viện phí một số kỹ thuật tăng từ 7 đến 10 lần theo khung dự kiến tăng của Bộ Y tế sẽ khiến cho người bệnh lo lắng, vì không có khả năng “kham” nổi chi phí phát sinh.
Bài và ảnh: Việt Dũng