.

Dịch sốt xuất huyết hoành hành sinh viên

.

Đà Nẵng hiện có hàng ngàn ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó đối tượng học sinh, sinh viên chiếm gần 70%. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, đồng thời nâng cao ý thức cho họ thì  tỷ lệ nhiễm bệnh trong bộ phận này còn tăng cao.

Mô tả ảnh.
Nhiều khu trọ của sinh viên bị “bao quanh” bởi rãnh nước tù và cỏ lau mọc um tùm.

Sốt thì đi... viện

Phần lớn những khu nhà trọ tại những con đường như Phạm Như Xương, Nguyễn Khuyến, Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) không chỉ trong tình trạng ẩm thấp mà còn nằm ven ao hồ, cống rãnh thường xuyên bốc mùi hôi thối. Trước cổng nhiều khu trọ, nước từ nhà vệ sinh chảy ra còn đọng thành vũng xen cả cơm, rác... Ghé vào một dãy trọ trên đường Phạm Như Xương mới hiểu vì sao SV lại mắc phải bệnh SXH dễ dàng đến vậy.

Cả khu trọ 10 phòng, nhưng chỉ có một chỗ duy nhất để phơi quần áo là dãy hành lang rộng chưa đến 1,2m. Phòng trọ 16m2 nhưng có đến 4 SV cùng thuê ở. Chăn chiếu, áo quần tấp thành một đống. Tối nằm lại không có màn. Đặc biệt, với những khu trọ sử dụng nhà vệ sinh ngoài, nguy cơ SV bị nhiễm SXH càng cao. SV Nguyễn Thị Minh Hà (trọ tại tổ 21 – đường Phạm Như Xương) cho biết, khu trọ có 13 người thuê thì có 2 người bị SXH, 1 người đang sốt nhưng chưa rõ nguyên nhân. Ở trên lớp cũng có 3 bạn bị SXH đang nằm tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. Riêng bản thân em chỉ mù mờ nghĩ SXH do muỗi gây ra, chứ không biết cụ thể loại muỗi nào! 

Mặc dù biết bạn bè sống xung quanh mình bị SXH không ít, nhưng phần lớn SV vẫn bàng quan, ít quan tâm đến việc vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy để tránh lây lan khi có người trong khu trọ bị sốt. Giải pháp duy nhất của các bạn là sốt thì đi… viện, hoặc đến Trung tâm y tế tại địa phương.  

Hiện ổ dịch tại Đà Nẵng đã lên đến con số hơn 1.000 và trên 4.021 ca mắc bệnh. Đây chỉ là thống kê số bệnh nhân đến điều trị tại các cơ quan y tế, chưa tính số tự điều trị.

Tuyên truyền còn hạn chế

Trong khi SV là đối tượng chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số ca SXH trên địa bàn thành phố thì việc tuyên truyền phòng chống dịch, ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa bàn có nhiều SV sinh sống vẫn còn hạn chế. Nhiều SV trọ trên đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) khi được hỏi về dịch SXH đều lắc đầu không biết. Một số em khác nói mình biết được là thông qua mạng Internet. Riêng khu trọ của SV Trần Thị Thu Trang (ở đường Nguyễn Khuyến – quận Liên Chiểu) chỉ được phun thuốc diệt trừ muỗi khi Trang đã nhập viện vì SXH và Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu thông báo về cho địa phương biết.

Ông Phan Văn Chỉnh, Tổ trưởng tổ dân phố 22, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu nói: “Tổ 22 nằm trên đường Phạm Như Xương, có số lượng SV nhiễm SXH cao. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền để người dân và SV ra quân diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm vào chủ nhật hằng tuần. Tuy nhiên, nhiều người ý thức còn kém, nên việc phòng, chống vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn”.

Dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, SV vẫn còn phải sống chung với nó. Nếu không tự nâng cao ý thức phòng, chống, dịch SXH sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch học tập của nhiều SV.                    

Bài và ảnh: Khánh Hòa 

;
.
.
.
.
.