.

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Chú trọng kỹ thuật xử lý ổ dịch

.
Cho đến nay, ngành Y tế thành phố đã xử lý  gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại tất cả các quận, huyện với khoảng 400 lít hóa chất. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, côn trùng của Viện Sốt rét, ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn và Viện Pasteur Nha Trang, thì nếu không lưu ý yếu tố kỹ thuật chuyên môn trong mỗi lần tiếp cận, xử lý các ổ dịch, muỗi vẫn có thể phát sinh trở lại.

Xử lý dứt điểm từng ổ dịch

Mô tả ảnh.
Cán bộ y tế phát hiện lăng quăng sống trong gáo dừa chứa nước mưa.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay dịch SXH đang lưu hành thường xuyên, quanh năm tại nhiều địa phương. Do vậy, để hạn chế dịch bùng phát mạnh dẫn đến khó dập,  công tác chống dịch không chỉ tổ chức chặt chẽ, đồng bộ mà phải có hiệu quả khi xác định được ổ dịch tại nhà dân. “Nếu thành phố chỉ đạo quyết liệt, các quận, huyện cũng rất tích cực trong công tác phòng chống, tuy nhiên khi cán bộ y tế tiếp cận từng ổ dịch mà không thể xử lý dứt điểm, sẽ tạo điều kiện cho muỗi xuất hiện trở lại” - Tiến sĩ Dương giải thích.

Cho đến nay, Bộ Y tế đã ban hành quy trình xử lý đối với dịch SXH. Theo đó, tại ổ dịch có một trường hợp SXH lâm sàng nặng/tử vong, hoặc một trường hợp SXH được xét nghiệm dương tính thì xử lý khu vực phạm vi bán kính 200 mét kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch SXH trở lên tại một thôn/ấp/tổ dân phố trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô thôn/ấp và có thể mở rộng khi dịch lan rộng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực tiếp phối hợp với các đơn vị tuyến quận, huyện xử lý ổ dịch theo quy định. Việc xử lý ổ dịch SXH, nhất là chỉ định phun thuốc chỉ thực hiện sau khi xử lý xong các ổ lăng quăng, bọ gậy. Để đạt hiệu quả cao, việc phun thuốc cũng nên cân nhắc vào thời điểm mưa to, bởi nước mưa sẽ rửa trôi thuốc đọng trên các vật dụng, như vậy thuốc sẽ không còn tác dụng diệt được muỗi trưởng thành.

Quan điểm của Bộ Y tế là có thể triển khai phun hóa chất đợt 3 để ngăn chặn, diệt muỗi gây bệnh cho người dân. Tuy nhiên, khi dịch đang trong mùa cao điểm, mỗi cán bộ y tế chống dịch phải thực hiện theo phương châm “hết dịch mới về”.

Những chuyện không ngờ từ ổ dịch SXH

Theo các chuyên gia dịch tễ học, đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH (muỗi giống Aedes) chỉ sống ở những nơi có người và đẻ trứng ở nơi có nước trong đọng lâu ngày, những nơi nước đục, nước bẩn lăng quăng không sống được.
Khi đến nhà dân hỏi, hầu hết người dân đều nói để phòng, chống SXH thì cách tốt nhất là phải diệt lăng quăng, nhưng ngặt nỗi không phải ai cũng biết chỗ có lăng quăng để mà diệt. Chuyện “tìm - diệt” ổ dịch SXH đôi khi khiến chính những người trong cuộc… bật ngửa. Những câu chuyện mà bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố kể là điển hình của việc chủ quan trong phòng dịch của người dân hiện nay.
 
Bác sĩ Lãm cho biết, nhiều người dân quả quyết với cán bộ y tế rằng nhà mình rất sạch vì quét dọn thường xuyên. Tuy nhiên, khi cán bộ chống dịch với tay lấy bình hoa trên bàn thờ xuống thì muỗi bay tán loạn. Nước trong bình lúc nhúc lăng quăng sinh sống. Chuyện lăng quăng sống “từ ngoài vườn tới bàn thờ” dường như có ở nhiều nơi khi cán bộ y tế giám sát dịch tại nhà dân. Mới đây, khi kiểm tra các ổ dịch ở nhà dân tại phường Thanh Bình, một phát hiện bất ngờ mà chủ nhà không hề hay biết, đó là lăng quăng sống trong bình nước đặt trong tủ lạnh. Khi giải thích vì sao lại như vậy thì chủ nhà cho biết trước đó hai bữa họ để chai nước ở ngoài, sau đó bỏ vào, nhưng khi đó không biết muỗi đã đẻ trứng  sinh ra lăng quăng.

Ở một khu dân cư có nhiều trẻ em bị SXH, người dân cứ đinh ninh rằng con mình bị SXH vì bị muỗi cắn ở trường học chứ không phải ở nhà. Khi nhân viên y tế leo lên sân thượng kiểm tra phát hiện nhiều lăng quăng “rong chơi” trong chậu cây cảnh đầy nước mưa. Còn ở các công trình xây dựng có công nhân lưu trú thì các sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống, và việc vứt rác bừa bãi sẽ tạo ra những nơi đọng nước khi mưa xuống và tạo điều kiện cho việc hình thành các ổ lăng quăng.

Hiện nay, dịch SXH tại Đà Nẵng vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy, cách tốt nhất để không mắc bệnh là mỗi ngày, mỗi người dân nên dành khoảng 30 phút để tìm lăng quăng trong các vật dụng trong nhà, chú ý ở nhiều ngõ ngách, vật dụng có nước sau hè, giữa các đường luồng, trong vỏ dừa, lốp xe, chậu cảnh, bình hoa, chai lọ…

Bài và ảnh: Việt Dũng
;
.
.
.
.
.