Dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến cuối tháng 11-2010 đã tạm lắng xuống, số ca mắc được khống chế. Qua đợt dịch này, kinh nghiệm rút ra là phải “đón đầu” xu hướng phát triển của từng loại bệnh khi chưa có dấu hiệu tăng mạnh, nguy cơ bùng phát cao.
Đến thời điểm này, dịch SXH đã được kiểm soát, một phần do ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao hơn trước.
Chẩn đoán... từng ổ dịch
Để tuyên truyền người dân phòng bệnh, trong ba năm trở lại đây, các cán bộ y tế một số quận, huyện phải trực tiếp đến từng tổ dân phố để vận động người dân tham gia diệt côn trùng gây bệnh. Những biện pháp đơn giản như lật bỏ các vật đọng nước lâu ngày, thả cá vào hồ nước, phát quang bụi rậm để ngăn ngừa bọ gậy sinh ra muỗi gây bệnh sốt xuất huyết... được các nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng, ở nhiều khu vực ý thức người dân còn kém nên công việc này vẫn chưa mang lại hiệu quả. Rất nhiều gia đình không thực hiện triệt để những hướng dẫn của nhân viên y tế khiến nguy cơ bùng phát dịch ngày càng cao, nhất là ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc, môi trường ô nhiễm. Đó cũng là điều để lý giải cho việc bùng phát dịch SXH trong thời gian qua. Và, hậu quả là việc ngăn chặn, phòng chống rất tốn kém, vất vả.
Còn nhớ, trong đợt phòng, chống dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp xảy ra trong năm 2009, ngành y tế thành phố đã chủ động ngay từ khi dịch còn ở ngoài biên giới, nên đã thành công ngay trong việc ngăn chặn số bệnh nhân mắc, hạn chế bệnh nhân tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này gây ra. Trước đó, dịch SARS cũng được kiểm soát, khống chế thành công, không để người dân hoang mang lo sợ khi nhiều địa phương khác liên tiếp xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh. Điều đó cho thấy, nếu có kế hoạch phòng chống càng sớm và nghiêm túc bao nhiêu thì khả năng dịch bệnh xuất hiện, đe dọa đến sức khỏe người dân được giảm thiểu bấy nhiêu. Điều này chỉ có thể thực hiện được một khi ngành y tế đủ năng lực “chẩn đoán” cho từng ổ dịch nhỏ xuất hiện trong các khu dân cư. Từ đó, xây dựng kế hoạch đối phó ngay từ đầu.
“Đồng điệu” giữa chính quyền và người dân
Trong khi y học trong nước đang đạt được nhiều tiến bộ, đột phá mới trong việc chế tạo các chế phẩm sinh học, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu để điều trị, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo như: suy tạng, ghép gan, tủy sống, mổ tim, chữa bệnh viêm gan… thì ngược lại, trong công tác phòng, chống các bệnh thường quy như bệnh SXH, tiêu chảy cấp, viêm não, thủy đậu… lại đứng trước những khó khăn lớn. Biểu hiện là số ca mắc bệnh trong cả nước trong những năm gần đây tăng đáng kể. Số ca tử vong nhiều hơn. Đây là những dịch bệnh “không lạ” nhưng lại có số người mắc lớn, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng nhưng trong công tác phòng ngừa lại có sự chủ quan, chưa quyết liệt.
Trong đợt kiểm tra công tác chống dịch SXH tại Đà Nẵng vào cuối năm 2010, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, điều kiện tiên quyết mang lại thành công trong công tác phòng ngừa dịch bệnh khi bùng phát chính là phải huy động sức mạnh tập thể tham gia phòng, chống. Đó là sự kết hợp giữa cán bộ y tế và mỗi người dân để làm sao khi đến mỗi hộ dân, cán bộ y tế phải chỉ rõ cho chủ hộ thấy nguyên nhân mắc bệnh, nơi phát sinh dịch ở đâu, cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Có được điều đó còn phụ thuộc lớn ở công tác tuyên truyền để mỗi gia đình nâng cao ý thức phòng bệnh.
Nhìn lại công tác phòng ngừa dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng trong năm 2010 cho thấy: Bài học lớn nhất trong công tác phòng dịch bệnh vẫn là tạo ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho người dân. Mà điều này có được phải cần một sự “đồng điệu” giữa chính quyền và người dân. Người dân không thể đứng ngoài cuộc, mà phải chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thiết nghĩ, bước vào năm 2011, địa phương nào của thành phố tìm được tiếng nói chung trong công tác chăm sóc sức khỏe, thì chắc rằng dịch SXH sẽ không có cơ hội để bùng phát như đã từng xảy ra trong năm 2010 vừa qua.
Bài và ảnh:Việt Dũng