.

Không để sốt xuất huyết bùng phát trở lại

.

Nhìn vào biểu đồ, dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố đã qua thời kỳ đỉnh điểm và giảm nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tăng trở lại vẫn rất cao nếu các địa phương buông lỏng, không quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như hiện nay.


“Điểm nóng” dai dẳng

Mô tả ảnh.

Các địa phương cần phải huy động học sinh tham gia phòng, chống dịch SXH.
Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn, quận Hải Châu tuyên truyền diệt bọ gậy.


Tính đến nay, phường Thanh Bình là một trong 13 phường của quận Hải Châu có dịch SXH diễn  biến phức tạp, dai dẳng, bởi mật độ lăng quăng trong một số nhà dân luôn vượt ngưỡng dự báo dịch. Qua điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mới đây, đã phát hiện 7/15 hộ gia đình tại phường Thanh Bình có bọ gậy trong nhà. Tại gia đình ông Nguyễn Viết Dũng có một thùng phuy chứa nước với hơn 1.000 con bọ gậy sinh sống. Hộ ông Lê Quang Quý và bà Quách Thị Hồng có hòn non bộ chứa hàng ngàn con lăng quăng nhưng không thả nuôi cá. Nếu để những ổ lăng quăng này sinh trưởng thành muỗi thì sẽ có rất nhiều người mắc bệnh SXH khi bị muỗi cắn.

Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thừa, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, đã triển khai nhiều biện pháp mạnh. Trong đó, 56 tổ trưởng dân phố của phường Thanh Bình chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn người dân trong công tác ngăn ngừa dịch SXH. Phường được chọn làm điểm để tiến hành chiến dịch phun thuốc tại tất cả các hộ dân nhằm xử lý môi trường, hạn chế muỗi gây bệnh.

Tại hai phường khác của quận Hải Châu là Phước Ninh và Thuận Phước, ở một số nhà dân vẫn còn nhiều lăng quăng, muỗi gây bệnh trong nhà. Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, những nơi tập trung nhiều trường học, nhà trọ như phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Số ca mắc chưa giảm nhiều và tập trung chủ yếu ở học sinh, sinh viên. Tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), Thọ Quang (quận Sơn Trà) và xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cũng là những “điểm nóng” được đẩy mạnh công tác giám sát, xử lý những ổ dịch SXH mới phát sinh trong thời gian gần đây.


Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, để bảo đảm dịch SXH giảm nhanh và tránh nguy cơ bùng phát trở lại, ngành Y tế sẽ phải duy trì công tác giám sát, dập dịch, đồng thời tiếp tục phối hợp với các quận, huyện duy trì công tác phòng chống. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, đóng vai trò chủ yếu trong phòng bệnh là các tổ trưởng dân phố, vì đối tượng này đã được tập huấn công tác chống dịch và được hỗ trợ từ nguồn kinh phí thành phố.

Xóa tư tưởng chủ quan, xem thường...


Chủ trì các cuộc giao ban chỉ đạo công tác chống dịch SXH trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh yêu cầu các địa phương phải tích cực, chủ động triển khai tại cơ sở để giảm nhanh số ca mắc. Đối với những nơi chưa làm tốt công tác chống dịch cần phải làm rõ và khắc phục những yếu kém. Nếu để kéo dài phải nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là không được chủ quan, lơ là để dịch tăng trở lại. Để làm được điều này, theo đồng chí Trần Văn Minh, trong công tác phòng chống SXH cần phải phát huy được hết các nguồn lực tham gia như Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, học sinh, dân phòng… Bên cạnh đó, cần thiết thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí để phục vụ công tác chống dịch hiệu quả hơn.

Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ  quan, xem thường công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng, nếu gia đình họ chưa có người mắc bệnh. Do vậy, suy cho cùng, điểm mấu chốt trong công tác phòng ngừa dịch bệnh vẫn là nêu cao ý thức tự phòng bệnh của người dân. Bài học về tuyên truyền, vận động luôn được nhắc đến nhưng nhiều địa phương trong một thời gian dài vẫn chưa thực hiện đến nơi, đến chốn.


Bài và ảnh: Diệu Minh

;
.
.
.
.
.