Bằng những phương pháp kích thích buồng trứng, thụ tinh nhân tạo (TTNT) và lọc rửa tinh trùng, từ năm 2000 đến nay, Phòng Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng đã khám, điều trị cho hàng ngàn cặp vợ chồng không chỉ ở thành phố Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặp khó khăn trong sinh sản. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, một kỹ thuật cao hơn TTNT là thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đang được các bác sĩ BV Đà Nẵng phấn đấu thực hiện trong năm 2011.
Mong ước của nhiều gia đình
Giữa năm 2004, ngay trong ngày bé Đặng Lê Tường Vy - em bé thứ 100 ra đời bằng phương pháp khoa học là TTNT tại BV Đà Nẵng - đã có rất nhiều gia đình đến chúc mừng và cảm ơn những bác sĩ đã có công rất lớn trong việc giúp những cho đứa con yêu quý của họ chào đời. Trong số đó, có nhiều đôi vợ chồng tìm lại hạnh phúc sau hàng chục năm vắng bóng tiếng trẻ thơ trong cuộc sống gia đình. Trước đó, để có con, các gia đình này phải vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí, không đủ thời gian khiến nhiều gia đình đành bỏ dở sau nhiều năm đeo đuổi.
Bé Tường Vy là dấu ấn quan trọng trong chặng đường hỗ trợ điều trị sinh sản bằng phương pháp TTNT tại Đà Nẵng. Bởi, theo kết quả điều tra tại thành phố Đà Nẵng, cứ 10 cặp vợ chồng, có 1,5 cặp bị hiếm muộn. Nhiều tỉnh khác ở khu vực miền Trung cũng có tỷ lệ tương tự. Phần lớn các cặp vợ chồng gặp phải hoàn cảnh này không có điều kiện vào Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) để chữa trị do chi phí rất lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, phương pháp TTNT là bơm tinh trùng vào buồng tử cung và đến nay đã mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có những nguyên nhân đơn giản với tỷ lệ có thai/chu kỳ khoảng 18%. Đây là tỷ lệ thành công ở mức cao và ngang bằng với những trung tâm điều trị vô sinh lớn tại Việt Nam. Tính đến nay đã có trên 260 trẻ em ra đời từ kỹ thuật TTNT tại BV Đà Nẵng.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Từ thành công của phương pháp TTNT, các bác sĩ Phòng Hiếm muộn đã đặt ra phương hướng sẽ thực hiện giai đoạn TTTON và định hướng phát triển phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tạo hình vòi trứng, triển khai chẩn đoán và phẫu thuật nội soi buồng tử cung, điều trị vô sinh nam, xây dựng Labor nam học, từng bước triển khai trữ lạnh phôi, trữ lạnh tinh trùng… Những hoạch định mới mẻ và táo bạo này sẽ được triển khai ngay khi đơn vị chuyển sang hoạt động ở cơ sở mới tại quận Ngũ Hành Sơn.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Phụ sản - Nhi, BV Đà Nẵng cho biết, trong năm 2011, trung tâm sẽ phát triển mạnh khoa Hiếm muộn với mũi nhọn là ứng dụng điều trị vô sinh bằng kỹ thuật TTTON. Bởi trên thực tế, tỷ lệ vợ chồng hiếm muộn đang có xu hướng tăng, kéo theo nhu cầu TTTON ngày càng lớn. Để thực hiện kỹ thuật này, đã có 3 bác sĩ BV Đà Nẵng được đưa đi đào tạo điều trị bằng phương pháp TTTON tại BV Từ Dũ.
“Cùng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho việc trữ phôi, chúng tôi cố gắng phấn đấu trong năm 2011 sẽ có một em bé ra đời bằng phương pháp TTTON, mà từ trước đến nay vì nhiều lý do nên vẫn chưa thực hiện được. Đây là một nỗ lực của trung tâm không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn là mong muốn của đội ngũ bác sĩ để phát triển thêm một kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị vô sinh tại Đà Nẵng trong những năm tới”- bác sĩ Vinh chia sẻ.
Bài và ảnh: DIỆU MINH