.

Gia vị thực phẩm: Kiểm soát không hết

.
Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm phục Tết Nguyên đán ở các chợ đang tăng từng ngày, trong đó hàng gia vị dùng trong chế biến món ăn cũng xuất hiện ồ ạt. Tuy nhiên,  việc kiểm tra giám sát mặt hàng này để phát hiện vi phạm hiện nay gặp không ít khó khăn.

Mô tả ảnh.
Thực phẩm nhập lậu từ nước ngoài không dán kèm nhãn phụ tiếng Việt được thanh tra Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng phát hiện trong năm 2010.
Ém... gia vị lẩu

Chúng tôi đến một số chợ lớn như: chợ Đống Đa, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Cồn… để tìm mua các loại gia vị ngoại nhập - chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng các chủ quầy kinh doanh mặt hàng này đều lắc đầu, kèm theo câu: Làm chi có chú ơi!

Một chủ quầy gia vị tại chợ Mới cho biết, ở đây chị chỉ bán những gói bột nêm, bột tạo mùi và gia vị khác sản xuất ở trong nước, có hạn dùng và đăng ký lưu hành của cơ quan chức năng. Thậm chí, có chủ cơ sở chuyên bán mặt hàng này với số lượng lớn tại chợ Cồn rỉ tai, lâu nay nghe các phương tiện truyền thông nói phát hiện gia vị nấu lẩu xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu, không có hướng dẫn sử dụng lẫn hạn dùng tại các thành phố lớn, nhưng tại chợ Cồn chưa thấy ai nhập về để bán. Đây chính là điều khá bất thường, bởi chỉ cách đây gần một tháng, không khó để tìm mua các gói gia vị được giới thiệu là gia vị lẩu có bao bì màu đỏ bắt mắt, nhưng không có chữ tiếng Việt dán kèm mà toàn chữ Trung Quốc, bên trong có nước sệt quánh màu cánh gián, mùi khăm khẳm. Khi nấu lẩu, chỉ cần bỏ gói gia vị này vào nồi nước sôi sẽ tạo ra nồi lẩu có mùi đặc trưng. Giá một gói gia vị này từ 6 đến 10 ngàn đồng, tùy theo trọng lượng.

Qua tìm hiểu, hiện nay tại một số nhà hàng có phục vụ món lẩu Thái, lẩu Trung Quốc vẫn “chuộng” sử dụng gói gia vị mà gần đây, các cơ quan quản lý thực phẩm khuyến cáo không nên sử dụng, vì ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do có khả năng chứa hóa chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nguyên nhân là do các loại gia vị này được chế biến sẵn, có mùi vị đặc trưng của lẩu và giá rẻ, thay vì phải mua các loại gia vị còn tươi về chế biến vừa mất thời gian, lại không có mùi “lẩu chính hiệu”. Do đó, việc liên tiếp phát hiện gia vị nhập lậu từ nước ngoài tại các tỉnh miền Bắc trong thời gian qua rất có thể khiến cho nhiều cơ sở buôn bán loại gia vị nhập lậu này cố tình tẩu tán, ghim hàng, chờ các cơ quan chức năng qua đợt kiểm tra mới bung hàng ra bán cho người tiêu dùng. Đây chính là một trong những mánh khóe của giới buôn hàng lậu, gây khó khăn trong vấn đề quản lý, phát hiện vi phạm trong nhóm thực phẩm này tại đợt kiểm tra dịp Tết năm nay.

Chưa kiểm nghiệm, vẫn được quyền xử lý

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hai đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, mỹ phẩm, đó là Khoa xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm, mỹ phẩm trực thuộc Sở Y tế. Ngoài ra, Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản Vùng 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng có khả năng kiểm nghiệm, phân tích hóa chất trong thực phẩm. Tuy vậy, khả năng kiểm nghiệm phát hiện độc tố chứa trong thực phẩm tại những đơn vị này còn hạn chế nhất định. Một phần do thiếu máy móc và chưa được đầu tư nâng cấp, cán bộ phân tích trình độ chuyên sâu còn yếu và thiếu… Đây là một trong những khó khăn trong công tác kiểm tra thực phẩm trên địa bàn thành phố nói chung.

Trước thực tế đó, theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm về vấn đề nhãn mác, nguồn gốc, hạn dùng…, đặc biệt là thực phẩm nhập ngoại, không có nhãn phụ tiếng Việt dán kèm thì lực lượng thanh tra có thể tịch thu toàn bộ sản phẩm để xử lý vi phạm mà chưa cần đến xét nghiệm thực phẩm.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG
;
.
.
.
.
.