.

Ngộ độc nấm

Nấm là một loại thức ăn ngon, mang lại nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Tuy nhiên, nhiều người khi nghĩ đến chuyện ngộ độc do ăn nhầm các loại nấm độc gây ra thì hết muốn cầm đũa!

Thật ra, nếu chúng ta chỉ cần lưu ý một chút thì có thể phân biệt đâu là nấm độc cần tránh và đâu là nấm “hiền” có thể ăn được. Cách phân biệt theo kinh nghiệm của các nhà thực vật học như sau: Khi thấy bất cứ loại nấm nào mà màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là loại nấm “đội mũ” màu đỏ, bào tử nấm (cơ quan sinh sản nằm trên phiến nấm, ở dưới mũ nấm) màu hồng nhạt, sợi phát ra ánh sáng thì là nấm độc, chớ mó tay vào. Đối với những loại không có màu thì cách nhận ra tính độc của nó qua quan sát kỹ hình dạng. Sẽ là nấm độc khi thấy nấm có đầy đủ mũ - phiến - cuống và bao gốc.

Thời gian biểu hiện ngộ độc nấm xảy ra sau khi ăn tùy thuộc vào độc lực chứa trong nấm. Có thể là sau độ 30 phút đến vài giờ (thường là 2 – 4 giờ) và thậm chí là 15 đến 20 giờ sau. Nhưng dù là ngộ độc loại nấm nào thì khi bị ngộ độc cũng đều có chung các biểu hiện sau: Cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn. Có thể nôn ra thức ăn có lẫn máu. Đau quặn bụng thành từng cơn. Người mệt mỏi, lạnh toát, tiêu chảy toàn nước. Các trường hợp nặng thì thở khó, người tím tái, nhanh chóng rơi vào tình trạng trụy tim mạch và tử vong nếu như không cấp cứu và điều trị kịp thời.

Nguyên tắc trong sơ cứu khi nghi ngờ ngộ độc nấm là gây nôn càng sớm càng tốt, nôn càng nhiều càng tốt bằng cách ngoáy họng kích thích nôn; uống vào nhiều nước, rồi gây nôn (xem như là biện pháp tự súc rửa dạ dày tại chỗ) và tất nhiên đưa người bị ngộ độc nấm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Thạc sĩ Y học MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.