Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành y tế thành phố Đà Nẵng qua 4 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực và cụ thể, nhất là tạo ra chuyển biến lớn đối với những người thầy thuốc mà Bác Hồ từng căn dặn: “Lương y phải như từ mẫu”.
Đối với người thầy thuốc, yêu nghề và tận tâm đối với người bệnh là thước đo để giữ nét thanh cao của nghề y cao quý. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.
|
Nói về những thay đổi tích cực của cán bộ y tế trong những năm gần đây, bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, một trong những động lực chính là toàn thể y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên của các bệnh viện, đơn vị y tế quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy về y đức và làm theo tấm gương đạo đức vì nhân dân phục vụ của Người. Đối với người bệnh, xuất hiện những người thầy thuốc tiêu biểu, mẫu mực chăm lo sức khỏe khi người bệnh cần.
Đó là bác sĩ Trần Thị Hải Vân, luôn gần gũi động viên và chia sẻ rất nhiều đối với những người mắc bệnh tâm thần, nỗ lực hết mình để giúp trẻ em tự kỷ vượt qua nỗi sợ hãi, hòa nhập tốt cộng đồng, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Đó là Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Hoàng làm việc tại Phòng Hồi sức nhi sơ sinh, đã dành tình cảm đặc biệt cho các em bé mới sinh, mắc bệnh hiểm nghèo. Và còn nhiều cá nhân thầm lặng hy sinh, quên mình vì người bệnh nghèo ở những đơn vị y tế khác nhau.
Đối với các tập thể, tiêu biểu có Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ với việc thay đổi tích cực thái độ phục vụ người bệnh, nâng cao y đức trong từng việc làm nhỏ, những lời nói nhẹ nhàng để giữ vững uy tín với bệnh nhân. Riêng đối với Bệnh viện Tâm thần, đã thực hiện có hiệu quả việc sản xuất rau sạch, cải thiện bữa ăn cho người bệnh nội trú, bình quân tiết kiệm 1,5 triệu đồng chi phí mua rau mỗi tháng. Hay trong những đợt dịch bệnh lớn, những cán bộ, bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố không quản ngại ngày đêm để giám sát công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp…
Từ những điển hình tiêu biểu đó, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành một phong trào thi đua mạnh mẽ và chính phong trào này đã thôi thúc toàn ngành y tế thành phố tiếp tục động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên thực hiện những việc làm ý nghĩa trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Còn rất nhiều cá nhân và tập thể là điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành y tế thành phố Đà Nẵng mà ở bài viết này không thể nêu một cách đầy đủ. Nhưng, chắc chắn rằng, chính những người bệnh sẽ ghi nhận công sức, tấm lòng của những lương y như từ mẫu. Đó là những hộ lý làm sạch từng phòng khám, buồng bệnh, khuôn viên bệnh viện; là những y, bác sĩ, nữ hộ sinh ở các Trạm y tế ở vùng ven biển và miền núi xa xôi; những kỹ thuật viên xét nghiệm miệt mài tìm ký sinh trùng gây bệnh, tác nhân gây bệnh tiêu chảy, bệnh cúm, thực phẩm gây ngộ độc…
Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần con người có tấm lòng, nhiệt huyết, nhưng đặc biệt đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, rất cần người có tâm, có tài, có tình người. Có lẽ do áp lực công việc của người thầy thuốc, cũng có khi do mong muốn, kỳ vọng của người bệnh và gia đình quá lớn… nên đôi lúc còn có cán bộ y tế nói với dân chưa chuẩn, chưa sâu sát, làm người dân chưa thỏa mãn. Đây chính là một trong những điều được lãnh đạo các đơn vị y tế nhìn nhận nghiêm túc và sẽ cố gắng khắc phục, nhằm tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bài và ảnh: DIỆU MINH