.

Người bác sĩ giàu lòng nhân ái

.

Những năm qua, CCB - bác sĩ Phạm Hữu Lộc, Phó trưởng Liên chuyên khoa Bệnh viện C Đà Nẵng là một tấm gương điển hình về các hoạt động nhân đạo, từ thiện với nhiều việc làm mang tính nhân văn sâu sắc.

 

Mô tả ảnh.
 Bác sĩ Phạm Hữu Lộc (phải) đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Hữu Lộc ở phường An Hải Đông, nổi bật về nhiệt tình tâm huyết, có nhiều đóng góp về công tác từ thiện-nhân đạo và đã được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Từ thiện quận Sơn Trà. Thời gian qua, anh cùng với Ban Chấp hành Quận hội đã vận động kinh phí xây dựng 68 nhà tình thương tặng hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 50 trường hợp khác, trao tặng hàng trăm suất học bổng, tiền, quà, xe lăn cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Riêng cá nhân anh đã hỗ trợ 25 triệu đồng để làm một nhà tình thương tặng bà Nguyễn Thị Thêm là hộ nghèo ở phường Mân Thái; trong các dịp Tết đều có quà tặng các gia đình khó khăn ở địa phương, đặc biệt mỗi tháng, anh tự nguyện ủng hộ 1 triệu đồng cho Quỹ hoạt động nhân ái của Quận hội. Anh còn vận động các đồng nghiệp và các nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở nhiều địa phương, nhờ đó 5 năm qua đã có 1.590 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.

Trong việc khám chữa bệnh,  ngoài nắm vững chuyên môn, anh còn thể hiện y đức của người thầy thuốc. Bất kể bệnh nhân là cán bộ hay dân thường đều được anh thăm khám, điều trị ân cần, chu đáo. Anh thường nói với các nhân viên trong khoa rằng: “Chúng ta hãy coi người bệnh như người thân của mình và bệnh của người khác cũng như bệnh của chính mình”. Tại bệnh viện, trên cương vị Chủ tịch Hội CCB, bác sĩ Lộc cũng tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo, kịp thời giúp đỡ, chia sẻ với những cán bộ, nhân viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Hội viên Lê Công Hiền bị liệt do tai biến và vết thương tái phát, được anh vận động CCB và đoàn viên thanh niên ủng hộ 6 triệu đồng và một chiếc xe lăn cùng với nhiều tặng vật khác.

 

Bác sĩ Phạm Hữu Lộc là CCB duy nhất ở Đà Nẵng được chọn đi dự Hội nghị “CCB Việt Nam làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực miền Trung và Nam Bộ, tổ chức tại tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 2010.

Mặt khác, anh đã tổ chức nhiều chương trình về nguồn kết hợp khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách và người nghèo ở các vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Trong chuyến Về nguồn năm 2009, bác sĩ Lộc đã đưa CCB và đoàn viên thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng đến làm Lễ tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị và dâng hoa bên bờ sông Thạch Hãn, đồng thời tổ chức khám, chữa bệnh cho tất cả cán bộ, nhân viên đang công tác tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và CCB già yếu ở xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị).

Tương tự, chương trình được tiến hành ở nhiều địa phương khác như Hòa Phú, Hòa Quý, Sơn Trà (Đà Nẵng), Điện Bàn, Trà My (Quảng Nam)... Chuyến đi nào cũng được chuẩn bị công phu, chu đáo, có sức hấp dẫn đối với lớp trẻ và được lãnh đạo bệnh viện hết sức ủng hộ. Nguồn kinh phí, thuốc men để khám, chữa bệnh cho các đối tượng là do CCB cùng cán bộ, công nhân viên Bệnh viện C Đà Nẵng thực hành tiết kiệm trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo bác sĩ Lộc, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho đối tượng chính sách và người nghèo ở các vùng căn cứ là một điểm nhấn trong mỗi chuyến về nguồn, nhằm giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình nhân ái cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.
.