.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu

.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong số ít Trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh lớn nhất cả nước, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục ứng dụng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu cả trong bệnh viện (BV) công và BV tư. Nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư cho các tuyến quận, huyện… đã nâng cao năng lực điều trị bệnh ở tuyến dưới.

Mô tả ảnh.
Bệnh viện Đà Nẵng có khả năng nối liền trường hợp đứt lìa cánh tay nhờ ứng dụng kỹ thuật mới.
Ứng dụng nhiều kỹ thuật y tế mới

Trong số 54 kỹ thuật lâm sàng được ứng dụng trong năm 2010, đáng chú ý có những kỹ thuật rất mới được BV Đà Nẵng triển khai thành công như: Thay thế xương bàn đạp bằng trụ gốm sinh học trong điều trị bệnh xốp xơ tai; phẫu thuật cắt tuyến giáp và tiền liệt qua nội soi; phẫu thuật phá sàn não thất trong giãn não thất; đặt stent đường mật trong bệnh lý đường mật và nút thông động tĩnh mạch cảnh xoang hang bằng bóng và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành… Đặc biệt, với sự giúp đỡ của các chuyên gia phẫu thuật tạo hình sọ mặt đến từ Hoa Kỳ, các bác sĩ khoa Ngoại bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng - lần đầu tiên tại khu vực miền Trung - đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp để tạo hình khuôn mặt cho nhiều bệnh nhân bị lép mặt bẩm sinh trên cả nước.

Bên cạnh đó, nhờ trang bị nhiều máy móc hiện đại, nhiều xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện như chẩn đoán giun đầu gai và giun lươn trong máu bằng kỹ thuật Eiisa, đo các chức năng hô hấp, chẩn đoán nhiễm trùng đường huyết co suy đa tạng. Tính đến cuối năm 2010, ngành Y tế Đà Nẵng đã triển khai hơn 90 kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị, từ đó tiếp tục tạo bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh cho
người dân.

Hiệu ứng từ Đề án 1816

Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, để có thể triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu ở tuyến y tế quận, huyện, Sở đã chỉ đạo cho BV Đà Nẵng và các BV chuyên khoa như BV Mắt, BV Tâm thần, BV Da liễu, BV Lao và Bệnh phổi, BV Y học cổ truyền… đẩy mạnh thực hiện chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ ở tuyến dưới. Riêng BV Đà Nẵng đã cử 65 lượt cán bộ hỗ trợ 6 đơn vị cơ sở về chuyên môn, với tổng số 31 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng được chuyển giao. Nổi bật là các kỹ thuật về gây mê hồi sức và các kỹ thuật chuyên môn về ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa. Gần đây nhất là việc tập huấn phác đồ điều trị bệnh tả, cúm A/H1N1 cho các bác sĩ tuyến quận, huyện. Nhờ vậy, đội ngũ bác sĩ ở các quận, huyện hiện nay có thể thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi máy móc hiện đại và trình độ chuyên môn cao.

Bác sĩ Phạm Hùng Chiến cho biết, việc triển khai có hiệu quả các kỹ thuật phẫu thuật cho đội ngũ bác sĩ tuyến dưới, sẽ góp phần để ngành Y tế thành phố thực hiện có hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế. Bởi, nếu trình độ chuyên môn của bệnh viện không “đều tay” thì việc quá tải tại các bệnh viện tuyến trên sẽ khó có thể giải quyết trong thời gian đến.

Bài và ảnh: Việt Dũng 
;
.
.
.
.
.