Trong thời gian vừa qua, nhiều thanh-thiếu nữ đã bị choáng ngất hàng loạt, từ nữ công nhân cho đến học sinh THCS và THPT ở nhiều địa phương như Phú Yên, Hải Phòng, Quảng Bình...
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh trong giờ học thể dục. |
Cơ thể là một chỉnh thể thống nhất, do vậy hệ thống vận chuyển O2 tốt thì cũng cần có hệ thống sử dụng O2 tốt, đó là khả năng hấp thụ O2 ở các tế bào, các tổ chức (cơ vân, cơ trơn, nhất là ở não…), các cơ quan nội tạng có hiệu quả cao nhất. Muốn hệ thống vận chuyển ô-xy hoạt động tốt cần phải chú ý một số yếu tố sau: khi hoạt động mạch đập của tim phải đạt từ 120 - 140 lần/phút, quá trình trao đổi khí ở phổi phải đạt 4 - 5 lít/lần, muốn vậy dung tích sống phải lớn, hoạt động thể lực hiếu khí thường xuyên với khối lượng và cường độ trung bình (tập thể lực 30 - 45 phút/ngày/lần) để nhịp tim tăng 130 - 140 lần/phút, dung tích sống tăng. Tuy nhiên, có một điểm phân biệt giữa nam và nữ là từ tuổi dậy thì trở về trước, quá trình hấp thụ và chuyển hóa ô-xy giữa nam và nữ như nhau, nhưng càng lớn tuổi, khả năng hấp thụ và chuyển hóa ô-xy của nữ càng kém hơn nam (do lượng hồng cầu ít hơn, lớp mỡ dưới da của nữ dày hơn, thể tích cơ bắp ít phát triển hơn…).
Từ những phân tích sinh học nêu trên, qua điều tra, nghiên cứu, khảo sát trên 320 nữ lứa tuổi 17-18 (nữ sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh, TP. Đà Nẵng) đã làm rõ một số nguyên nhân vì sao nữ dễ bị choáng ngất? Kết quả là chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể của các em thiếu cân chiếm tỷ lệ gần 40%; hệ số hô hấp theo chỉ số Eritman xếp loại xấu chiếm 45%; trọng lượng cơ thể từ 32-39kg thuộc loại nhẹ cân chiếm 11,40%; chiều cao thấp (140 - 149,12cm) chiếm tỷ lệ 16,05%; số đo vòng ngực nhỏ (43 - 72,69cm) chiếm tỷ lệ 8,95%; thành tích hoạt động hiếu khí (chạy 500m theo tiêu chuẩn RLTT của Bộ Giáo dục-Đào tạo) không đạt chiếm tỷ lệ 94,75%.
Những số liệu này đã chỉ rõ sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống sử dụng ô-xy và vận chuyển ô-xy, đó là dung tích sống nhỏ, lồng ngực nhỏ, ít tập luyện, ít hoạt động, khả năng hoạt động hiếu khí ít được rèn luyện, do vậy khả năng cung cấp ô-xy kém. Chính vì vậy khi tập trung cao độ vào công việc (công việc đòi hỏi tỉ mỉ, bị áp lực cao như làm bài kiểm tra hoặc sản phẩm phải có độ chính xác cao, số lượng nhiều...) sẽ làm cho tần số tim mạch tăng. Như vậy khả năng hấp thụ ô-xy của cơ thể tăng lúc này đòi hỏi phải cung cấp một lượng lớn ô-xy và các chất tạo năng lượng cho cơ thể như là đường glucô, ATP… và trong những trường hợp hoạt động căng thẳng, tần số hô hấp lại giảm hơn so với hoạt động bình thường của cơ thể.
Do vậy, sau khi hoạt động căng thẳng và nợ ô-xy như vậy cơ thể cần phải hoạt động với nỗ lực cao để bổ sung năng lượng và ô-xy cho cơ thể, nhưng có những em quá yếu sẽ không hoạt động đáp ứng kịp cho cơ thể, dẫn đến choáng ngất và choáng ngất hàng loạt do nợ ô-xy não, hạ đường huyết, hạ can-xi huyết. Ngoài ra, các em ít uống nước nên làm cho máu có độ nhớt cao, dẫn đến khả năng hấp thụ ô-xy giảm, sinh ra hiện tượng rối loạn nội môi… gây ra tình trạng choáng ngất. Vì vậy, cần tập luyện thể lực hằng ngày với các hoạt động hiếu khí (chạy tại chỗ, chạy số 8, nhảy dây, thể dục tay không, thể dục nhịp điệu, yoga…), phát triển thể trọng, nâng cao thể chất, dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi khoa học, tâm sinh lý thoải mái. Có như vậy mới phòng chống được hiện tượng dễ choáng ngất.
NGUYỄN VĂN DŨNG