Ngày 10-2, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) năm 2010 và đề ra các giải pháp hạn chế dịch bệnh này trong năm 2011. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nông Thị Ngọc Minh chủ trì hội nghị. |
Năm 2010, dịch SXH trên địa bàn miền Trung diễn biến phức tạp với hơn 35.000 ca mắc, 24 trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, dịch bùng phát mạnh với 4.464 ca mắc, hai trường hợp tử vong, xếp thứ 3 về số ca mắc nhiều nhất trong khu vực.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến dịch tăng mạnh ngoài thời tiết diễn biến phức tạp còn do việc giám sát, dự báo dịch chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền giai đoạn đầu chưa trọng tâm, chưa có sự phối hợp của hệ thống chính trị từ cơ sở. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch chưa đồng bộ, thiếu cụ thể của từng địa phương, ban, ngành ngay khi dịch SXH có dấu hiệu bùng phát. Người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng bệnh, trông chờ vào ngành chức năng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nông Thị Ngọc Minh lưu ý ngành Y tế cần triển khai công tác phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm và mỗi ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác triển khai chống dịch, nhất là thực hiện việc giám sát chặt chẽ mật độ côn trùng gây bệnh trong các khu dân cư…
Năm 2011, ngành Y tế thành phố đưa ra 9 chỉ tiêu cụ thể nhằm giảm số ca mắc SXH và số ca tử vong. Đặc biệt là xây dựng 5 quận điểm về phòng chống SXH là: Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ với 8 phường điểm. Bên cạnh đó, ngành Y tế chủ động công tác giám sát dịch thông qua hệ thống cộng tác viên cơ sở, phấn đấu 90% chủ hộ gia đình trên địa bàn thành phố được cung cấp kiến thức phòng bệnh và ký cam kết không có bọ gậy trong hộ gia đình.
Tin và ảnh: V.DŨNG