.

Không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan rộng

Để khống chế, dập tắt ngay dịch lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, chiều 14-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách, kiên quyết không để dịch lây lan rộng.

Theo số liệu cập nhật ngày 14-3 của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện cả nước có 5 tỉnh có dịch cúm gia cầm; 25 tỉnh có dịch lở mồm long móng và riêng tỉnh Hà Tĩnh còn dịch tai xanh ở lợn. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, với các địa phương đang có dịch, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tới tận thôn, ấp, bản. Đối với các địa phương chưa có dịch phải chủ động và kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng dịch thường xuyên. Khi phát hiện có bệnh dịch phải công bố công khai, đồng thời bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra ngoài vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan.

25 tỉnh hiện đang có dịch lở mồm long móng là: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lào Cai, Phú Yên, Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Dương và Đắk Lắk. Tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra dịch tai xanh ở lợn từ cuối tháng 2-2011 và hiện là địa phương duy nhất trên cả nước còn dịch này. Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân.
Thủ tướng lưu ý rằng, trước hết, địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, có biện pháp cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi chủ động tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm yêu cầu bắt buộc phải tiêm phòng; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, coi đây là các biện pháp lâu dài và quan trọng nhất để bảo vệ gia súc, gia cầm, giảm rủi ro, phát triển chăn nuôi bền vững. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NNVPTNT thành lập các đoàn đi kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng chống dịch; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xuất dự trữ quốc gia vắc xin lở mồm long móng, thuốc sát trùng để hỗ trợ ngay cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp và bổ sung đủ cơ số theo quy định về dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NNVPTNT nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch. Bộ NNVPTNT phối hợp với Bộ Y tế giám sát chặt chẽ vi rút cúm trên gia cầm, tình hình dịch có liên quan đến người nhiễm cúm A (H5N1) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiện dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở 5 tỉnh là: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Bình Định và Quảng Ngãi. Thế giới vẫn cảnh báo về nguy cơ của dịch cúm gia cầm liên quan đến đại dịch cúm A (H5N1) ở người. Vì vậy công tác chủ động phòng chống dịch bệnh này đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

(Theo Chinhphu.VN)
;
.
.
.
.
.