.

Phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?

.
Thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản cũng có thể gây nguy hại cho các nước xung quanh và khu vực. Sự rò rỉ phóng xạ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
 
Mô tả ảnh.
Kiểm tra nồng độ phóng xạ của trẻ em sinh sống trong khu vực phụ cận nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản).
Theo các chuyên gia, con người nếu tiếp xúc với một lượng chất phóng xạ trung bình sẽ dẫn đến các triệu chứng ban đầu như buồn nôn, mệt mỏi kèm theo ban đỏ, có thể sốt kèm tiêu chảy và các triệu chứng khác không giải thích được nguyên nhân. Tiếp theo là một thời kỳ ủ bệnh với thời gian khác nhau (2-4 tuần), xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột, thiếu các tế bào máu, thương tổn da, có triệu chứng rụng lông hoặc có vấn đề về máu (như đốm máu, chảy máu răng hoặc mũi) và nạn nhân có thể tử vong sau đó.

Theo TS. BS. Tạ Mạnh Cường – Viện Tim mạch Việt Nam, chuyên gia IAEA về an toàn bức xạ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chất phóng xạ có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, hoặc đường tiêu hóa hay hơi thở. Sự tác động của phóng xạ vào cơ thể qua nhiều loại bức xạ khác nhau như tia X, alpha, beta, gamma… Bên cạnh những hiệu quả vô cùng to lớn trong công nghiệp, y học thì các chất phóng xạ và các tia bức xạ cũng gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu sự tác động vượt quá giới hạn an toàn. Khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ có thể gây ra ung thư, glocom, ban đỏ, da bong vảy, giảm bạch cầu hạt, thiểu sản các cơ quan trong cơ thể, xơ hóa và hoại tử vô khuẩn, sảy thai, vô sinh…
 
Người dân khi giẫm trên đất nhiễm xạ sẽ tiếp xúc ngoài với các tia gamma, hoặc sẽ nuốt phải chúng nếu ăn thực phẩm và nước nhiễm xạ, làm tăng nguy cơ ung thư. Nếu tiếp xúc với cường độ lớn, sẽ bị bỏng da, thậm chí có thể tử vong. Các chất phóng xạ và tia phóng xạ làm biến đổi gen, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại di truyền cho nhiều thế hệ. Những hậu quả này có thể xảy ra hay không phụ thuộc vào hàm lượng phóng xạ, liều tia xạ được hấp thụ cũng như cường độ tia và diện tích cơ thể bị phơi nhiễm. Hậu quả càng nặng khi mức độ phơi nhiễm càng cao, liều bức xạ càng lớn.

Sau những thảm họa về phóng xạ trên thế giới, ngày càng hoàn thiện mức cảnh báo về an toàn nguyên tử trong những môi trường có nguy cơ như vùng có nhà máy điện nguyên tử hoạt động, có các hoạt động liên quan đến chất phóng xạ, bức xạ. Nếu như ô nhiễm phóng xạ vượt quá mức cho phép, người dân sẽ được khuyến cáo sơ tán, đeo khẩu trang, mặc quần áo kín người, không nên uống nước trong vòi, không nên sử dụng những thực phẩm được sản xuất trong vùng có ô nhiễm. Đặc biệt lưu ý đến nguồn nước và hướng gió khi có hiện tượng rò rỉ phóng xạ nên người dân cần chú ý đến những cảnh báo của cơ quan chức năng trong quá trình di chuyển khỏi nơi nhiễm xạ. Nếu có những dấu hiệu bất thường trên da, mắt, đường hô hấp... cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Những phụ nữ có thai càng đặc biệt cảnh giác với môi trường nguy hiểm này.

Điều cần phải làm đầu tiên là cố gắng giảm thiểu việc phơi nhiễm thêm, bằng cách cởi bỏ quần áo, giày dép và rửa da (nhẹ nhàng) bằng xà phòng và nước. Sau đó có các loại thuốc làm tăng sản xuất bạch cầu để ngăn chặn tổn thương có thể gây ra đối với tủy xương, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng thêm do hệ thống miễn. Cũng có những loại thuốc đặc trị giúp giảm tổn thương đối với các cơ quan nội tạng do các phân tử phóng xạ gây ra.

H.H (Tổng hợp)
;
.
.
.
.
.