.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Ý thức từ người sản xuất, kinh doanh

.
Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2011 đang được triển khai trong cả nước. Tại thành phố Đà Nẵng, Tháng hành động được thực hiện với chủ đề “Sản xuất - Kinh doanh - Sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm” với nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần đem lại chất lượng sống tốt hơn.
 
Mô tả ảnh.
Buôn bán nhếch nhác tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Hiện toàn thành phố có 6.442 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống và kinh doanh thực phẩm. Theo Chi cục ATVSTP thành phố, 3 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, quận, huyện, xã, phường đã thanh tra, kiểm tra 2.312 cơ sở, đạt tỷ lệ 35,89%. Kết quả, 2.001 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế (86,55%), 311 cơ sở vi phạm (13,45%), trong đó cảnh cáo 258 cơ sở, phạt tiền 53 cơ sở với tổng số tiền trên 55 triệu đồng. Đánh giá của chi cục cho thấy, ngoài vi phạm về quy định nhãn mác sản phẩm và những ca ngộ độc lẻ tẻ, trong quý 1-2011 (nhất là thời điểm Tết Nguyên đán) cho đến nay, Đà Nẵng không xảy ra vụ ngộ độc nào ở mức nghiêm trọng (ngộ độc tập thể trên 30 người), cơ quan chức năng cũng không phát hiện thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất phụ gia trên địa bàn thành phố.
 
Tuy nhiên, qua đó cho thấy một số tồn tại trong thời gian qua như kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia chưa có nên việc triển khai các hoạt động ATVSTP còn khó khăn; một số khu dân cư nằm trong diện nâng cấp đường, đền bù giải tỏa, dẫn đến các cơ sở thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý và cấp giấy phép khó khăn. Cán bộ chuyên trách ATVSTP tuyến quận, huyện, xã, phường còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác nên không thuận lợi về mặt chuyên môn...

Thực tế, tình hình kinh doanh ngành hàng ăn uống tại một số chợ ở Đà Nẵng hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh những chợ loại 1 được đầu tư về nhiều mặt thì ở  những chợ nhỏ,  hầu như người kinh doanh hàng ăn uống, chế biến thực phẩm không được tập huấn về kiến thức ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ, cũng như được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho hộ kinh doanh. Nói về công tác ATVSTP tại chợ, ông Nguyễn Trà, Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu cho hay thời gian qua, vẫn chưa tổ chức tốt vấn đề tuyên truyền cho hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống, dù đã đưa một số hộ buôn bán lẻ tẻ vào một khu vực và đầu tư quầy sạp, hệ thống nước, thoát nước, tường rào bảo vệ an ninh trật tự…
 
Để thực hiện ATVSTP, bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, trên hết vẫn là ý thức của người sản xuất, kinh doanh đối với việc bảo vệ sức khỏe cho khách hàng. Khá nhiều người buôn bán tại các chợ tỏ ra chủ quan với việc bảo vệ sức khỏe ngay cả bản thân mình khi vừa bán hàng thực phẩm tươi sống vừa “tranh thủ” ăn quà. Một số người chế biến thức ăn chín ngay trên nền chợ, hoặc khá tiết kiệm nước rửa chén bát… Từ ý thức chủ quan trên đã gây bệnh cho mình và cả người ăn uống.

Trong Tháng hành động này, các ngành chức năng đang tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, xem xét thực hiện các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm, điều kiện ATVSTP, chất lượng sản phẩm, quy định đối với cơ sở dịch vụ ăn uống… Đợt thanh tra, kiểm tra khá toàn diện các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống, căng-tin, bếp ăn tập thể sẽ là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng khi đặt niềm tin và chất lượng sản phẩm cũng như việc nâng cao ý thức đối với nhà cung cấp sản phẩm. Công tác kiểm tra kiểm soát không chỉ dừng lại trong Tháng hành động mà sẽ thường xuyên, lâu dài; đồng thời không chỉ chú trọng khâu tuyên truyền mà còn xử lý thật nặng những hành vi vi phạm của những cơ sở sản xuất, kinh doanh coi thường sức khỏe khách hàng.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.