(ĐNĐT) – Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có những động thái tích cực kìm hãm giá thuốc, người bệnh vẫn là những người phải chịu thiệt.
Giá thuốc tăng 20- 80%, nhà thầu kêu lỗ
Giá thuốc tăng 20- 80%, nhà thầu kêu lỗ
Nhiều ngày vào vai người đi mua thuốc để khảo sát thị trường Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy, các mặt hàng thuốc tăng một cách “chóng mặt”. Trong đó, hầu hết các loại thuốc tăng giá chủ yếu tập trung ở nhóm thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, giảm đau, tim mạch, tuần hoàn não...
Trong khi chờ các cơ quan chức năng có những động thái tích cực, người tiêu dùng vẫn là những người phải chịu thiệt hi giá thuốc tăng cao |
Theo thống kê chưa đầy đủ của một số nhà cung ứng thuốc, tại Đà Nẵng hiện có trên 40 mặt hàng thuốc tăng giá, với mức tăng trung bình 20 - 30%, một số tăng đến 50 - 80%.
Chẳng hạn, thuốc đặc trị - chuyên khoa Genurin (hộp 2 vỉ x 15 viên) có giá 165.300 ngàn đồng/hộp (trước kia là 151.200 đồng/hộp). Thuốc AIR – X (viên ngậm bạc hà chống đầy hơi ở người lớn) cũng tăng từ 72.100 đồng/hộp (10 vỉ x 10 viên) lên 75.100 đồng/hộp. Thuốc ERY loại 250mg (hộp 24 gói) tăng từ 113.702 đồng lên 123.900 đồng/hộp. NEOCOOION (hộp 20 viên) tăng từ 59.400 đồng lên 64.900 đồng/hộp.
Sản phẩm Salonpas hộp 20 gói 12 miếng có giá 200.000 đồng giờ tăng lên tới 240.000 đồng/hộp; salonpas Gel 115 tăng từ 15.000 đồng lên 18.000 đồng/hộp; thuốc Glutamin B6 (100 viên/hộp) tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng; thuốc bổ Beroca (10 viên/ống) tăng từ 64.000 đồng lên 69.000đồng/ống…
Đại diện Công ty Cổ phần Dược Đà Nẵng – đơn vị phân phối dược phẩm cho hơn 230 đại lý, quầy thuốc trên địa bàn Đà Nẵng - cho hay, các loại thuốc hiện đều tăng giá và nhân viên công ty phải liên tục cập nhật theo bảng giá mới từ các đơn vị gửi về để thông báo cho các đại lý biết.
Theo ông Nguyễn Kiệm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Đà Nẵng (Danameco) - một trong hai nhà thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh của Đà Nẵng, nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến giá thành sản phẩm đều tăng. Ngoài các sản phẩm bông, băng, gạc... là tự sản xuất, còn bơm tiêm, găng tay y tế, chỉ khâu y tế... đều phải nhập khẩu trong điều kiện giá tăng. Như bông Bạch Tuyết đã tăng từ 90.000 đồng/kg lên 170.0000 đồng/kg; chỉ khâu y tế tăng 20%..., nhưng đơn vị vẫn bán theo cơ chế đấu thầu nên công ty đang bị lỗ nặng.
BS.CKII Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết Sở đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương để quản lý giá thuốc chữa bệnh; đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều cho bệnh nhân...
Từ đầu tháng 3, Sở Y tế phối hợp với hai nhà thầu cung ứng thuốc là Darphaco và Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Đà Nẵng (Danameco) để bình ổn giá thuốc. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trúng thầu thuốc khối điều trị (cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh) đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo đơn giá trúng thầu năm 2010, giữ nguyên giá đến hết thời gian trúng thầu (30-9-2011).
Sở cũng sẽ “chia sẻ” với các nhà thầu trong công tác bình ổn giá thuốc. “Đối với các loại thuốc trong danh mục thuốc doanh nghiệp cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có giá tăng từ 5% trở lên so với giá trúng thầu thì doanh nghiệp cần tổng hợp, báo cáo kịp thời để Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, trình UBND thành phố xem xét giải quyết”, ông Chiến cho biết.
Theo Dược sĩ Trần Cúc, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Đà Nẵng), giá thuốc là do doanh nghiệp tự kê khai đăng ký với Cục Quản lý Dược (giá căn cứ trên giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo quản, nhân công, lợi nhuận hợp lý...). Khi có sự điều chỉnh tăng giá thì doanh nghiệp gửi văn bản lên Cục để xem xét. Còn Sở Y tế chỉ có chức năng kiểm tra việc kê khai lại giá của các công ty và các đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất đóng trên địa bàn; kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết của các cơ sở bán lẻ thuốc.
Với những người giàu có, thì việc thuốc tăng giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn không phải là vấn đề lớn, nhưng với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh thường xuyên phải dùng thuốc có tháng lên đến tiền triệu thì việc tăng giá thuốc dù ít hay nhiều đều thực sự là một gánh nặng với họ. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chức năng có những phản hồi tích cực liên quan đến giá thuốc, người bệnh vẫn là những người phải chịu thiệt.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh