.

Lo ngại vệ sinh thịt gia súc, gia cầm

.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 23 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 5 cơ sở giết mổ tập trung, còn lại 18 cơ sở tư nhân. Việc giết mổ gia súc, gia cầm có sự kiểm soát dịch bệnh của Chi cục Thú y, song vệ sinh trong khâu giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm vẫn còn nhiều bất cập.
 
Mô tả ảnh.
Từ 4 đến 6 giờ sáng chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh những con heo trần trụi như thế này được chở đi giữa đường phố, gây mất mỹ quan và không bảo đảm ATVSTP.
 
Nhếch nhác

Với 5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, mà lớn nhất là cơ sở giết mổ Đà Sơn bình quân một đêm giết mổ 1.000 con heo, chiếm 80 - 90% lượng gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn và 18 cơ sở tư nhân, đều được Chi cục Thú y kiểm soát chặt chẽ từ nguồn gốc động vật đến quá trình giết mổ, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn có một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đúng nơi quy định và không có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Điển hình gần đây nhất là tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ Hòa Khánh đã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Theo quy định, chợ Hòa Khánh là chợ ngoại thành chỉ cho phép bán gia cầm sống chứ không được phép giết mổ tại chỗ nhưng Ban Quản lý chợ vẫn cho phép giết mổ, không được cơ quan thú y kiểm tra. Vừa qua, Chi cục Thú y đã có văn bản yêu cầu ngừng giết mổ.

Theo quy định, gia súc, gia cầm nhập vào lò giết mổ phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cán bộ thú y phải kiểm tra chặt chẽ  từng con gia súc, gia cầm, bảo đảm ATVS mới cho giết mổ, sau đó đóng dấu và cho đưa ra thị trường. Vậy nhưng hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Đà Nẵng đều thực hiện việc giết mổ theo phương pháp thủ công vừa lạc hậu vừa không bảo đảm ATVSTP, vừa gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đã đến một số cơ sở giết mổ trên địa bàn Đà Nẵng, nhận thấy đa số đều thực hiện theo phương pháp thủ công. Bò, heo sau khi đưa vào khu giết mổ, các “đồ tể” đập chết, đưa lên bệ chọc tiết, sau đó đưa ra mổ. Tất cả các khâu đều thực hiện dưới sàn nhà mà ở đó máu, lông và phân lẫn lộn rất mất vệ sinh.

Một điều đáng nói nữa là sau khi giết mổ, nhiều cơ sở, cá nhân vận chuyển gia súc, gia cầm đến nơi tiêu thụ không có phương tiện chuyên dùng, không được che đậy. Theo quy định, gia súc, gia cầm sau khi giết mổ phải được vận chuyển bằng xe chuyên dùng nhưng hầu hết hiện nay khâu vận chuyển chủ yếu bằng xe máy không đóng thùng. Điều này không những không bảo đảm an toàn giao thông, VSATTP mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Tại nhiều chợ, các tư thương pha chế thịt ngay dưới nền nhà hoặc trên bàn cáu bẩn, ngày này sang ngày khác không được lau rửa sạch sẽ…

Khó?

Từ khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị 12 về việc cấm giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành và các khu dân cư, đến nay tình trạng giết mổ trong nội thành, khu dân cư và gia đình đã không còn, từ 300 lò giết mổ rải rác nay còn 23 cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, việc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm vẫn còn những bất cập như về cơ sở vật chất chưa được đầu tư tương xứng như công nghệ giết mổ hiện đại, bàn pha lọc và bán thịt, bồn  nước rửa tại chỗ… để bảo đảm vệ sinh; chỉ một số ít doanh nghiệp kinh doanh đầu tư ô-tô vận chuyển thịt đến các chợ, điểm bán, còn lại chở bằng xe máy không có bao bì; nơi bán thịt mất vệ sinh...

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Về việc vận chuyển thịt, trước mắt, chúng tôi sẽ nghiên cứu chọn một loại bao bì phù hợp để bỏ thịt vào. Sau khi đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ xây dựng chế tài xử lý nếu có hành vi vi phạm. Đồng thời trong quá trình đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra các giải pháp lâu dài cho việc vận chuyển để bảo đảm ATVSTP và Luật Giao thông đường bộ”.

Được biết, Bộ NN-PTNT đã có 2 thông tư quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ heo và gia cầm, nhưng đến nay, chưa có cơ sở nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Một trong những nguyên nhân của việc các cơ sở giết mổ chưa đạt yêu cầu, theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản, các chủ cơ sở  giết mổ muốn đầu tư thêm nhiều hạng mục với mức kinh phí rất lớn, trong khi khó khăn về vốn. Hơn nữa, các ngành chức năng chưa có giải pháp gì để xử lý tình trạng vận chuyển thịt bằng xe máy. Việc cấm vận chuyển thịt bằng phương tiện thô sơ và thay vào đó là phương tiện vận chuyển chuyên dùng đòi hỏi phải có lộ trình chuẩn bị.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.