.
Nhân ngày sức khỏe thế giới 7-4:

Chống kháng thuốc - thách thức toàn cầu

.
Ngày Sức khỏe thế giới 7-4 đánh dấu sự thành lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mỗi năm, Tổ chức Y tế thế giới sẽ chọn một vấn đề y tế trọng điểm toàn cầu và các sự kiện phạm vi địa phương, khu vực, quốc tế làm chủ đề cho ngày 7-4. Chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới năm nay là: “Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, không chữa khỏi ngày mai”. Đây là lần thứ 42, WHO nêu vấn đề sức khỏe của năm, nhằm thức tỉnh cộng đồng về vấn nạn kháng thuốc đang đe dọa toàn cầu.

Mô tả ảnh.
Để giảm kháng thuốc, người bán thuốc phải hướng dẫn đầy đủ về sử dụng thuốc an toàn cho người bệnh.
 
Báo động đỏ về kháng thuốc

Kháng kháng sinh (gọi thông dụng là kháng thuốc) là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi cách thức làm cho các thuốc trị các bệnh do chúng gây ra trở nên vô hiệu. Vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc (superbug). Vấn đề kháng thuốc không mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực hợp nhất nhằm giúp nhân loại tránh quay ngược lại thời kỳ chưa có kháng sinh (năm 1942). WHO cảnh báo, toàn thế giới đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và người dân cùng các cơ quan y tế cần có trách nhiệm cao nhằm bảo vệ kháng sinh cho thế hệ sau.

Chỉ trong 10 năm trở lại đây, tình trạng kháng thuốc chống cúm trên toàn thế giới tăng 12%. Tỷ lệ này ở châu Á vượt quá 70%. Đây sẽ là thách thức lớn đối với những quốc gia đang dự phòng thuốc để đối phó với đại dịch cúm gia cầm. Kinh nghiệm ngày càng được tích lũy trên thế giới về điều trị bệnh cúm A/H1N1  càng cho thấy sự quan trọng của việc điều trị sớm bằng các thuốc chống virus, oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Điều trị sớm càng quan trọng hơn đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, người đang bị các bệnh nặng khác, hoặc người có triệu chứng ngày càng nặng hơn.
 
Nguy cơ kháng thuốc cũng được cho là cao đối với những người dùng oseltamivir để trị “phơi nhiễm” sau khi tiếp xúc với một người khác bị cúm, và người vẫn bị bệnh cúm mặc dù đã dùng oseltamivir. Trong cả hai tình huống lâm sàng này, nhân viên y tế nên nghi ngờ ngay rằng sự kháng oseltamivir đã xuất hiện. Các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm nên được thực hiện để xác định rằng virus kháng thuốc đang hiện diện và các thao tác thích hợp để ngăn ngừa bệnh lây lan nên được áp dụng để cản trở sự lan truyền của virus kháng thuốc.

Xu hướng bệnh không lây nhiễm giảm

Ngày 12-1-2011, WHO đã phát động một kế hoạch toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng kháng artemisinin, thành phần chính trong các loại thuốc mới điều trị sốt rét. Theo WHO, hiện tượng kháng artemisinin đã xuất hiện ở khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, đồng thời có nguy cơ lan sang các khu vực khác ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhấn mạnh, sẽ là thảm họa nếu hiện tượng kháng artemisinin tiếp tục phát triển. Bà đồng thời kêu gọi các nước khẩn trương tăng cường các biện pháp kiểm soát tình trạng kháng thuốc mới.

Bệnh không lây nhiễm có xu hướng giảm dần, hiện ước tính chỉ chiếm 25% trong tổng số bệnh tật tại Việt Nam. Đây là nhóm bệnh cần sử dụng kháng sinh. Hiện nay, thuốc kháng sinh có 17 nhóm với khoảng 500 biệt dược, trong số đó có 4 nhóm chuyên biệt là chống nấm, chống lao, chống  phong, trị ung thư; còn lại 13 nhóm là thuốc trị các bệnh nhiễm khuẩn có các đường dùng là tại chỗ, uống và chích. Ngoài 6 nguyên nhân gây kháng thuốc chính, theo WHO tại Việt Nam còn có nguyên nhân chủ quan là do thói quen tự chữa trị và “bắt chước” chữa trị của người dân. Sửa sai việc dùng kháng sinh, cụ thể là nỗ lực của Bộ Y tế và của mỗi cá nhân hành nghề là các bác sĩ, y sĩ, y tá, dược sĩ, dược tá và người bán thuốc khác.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG
;
.
.
.
.
.