Nốt ruồi (mole) thì gần như ai cũng có. Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư da là do việc “chọc phá”... nốt ruồi.
Đúng vậy, việc “chọc phá” nốt ruồi không khác gì chọc tay vào ổ kiến lửa. Kiến không cắn mới là chuyện lạ! Những nốt ruồi bị “phá” không đúng cách thì khả năng dẫn đến ung thư da rất cao. Ngoài những nốt ruồi chuyển sang ung thư hóa, thì ung thư da còn do các nguyên nhân như tiếp xúc nhiều với hóa chất, chất phóng xạ và một nguyên nhân phổ biến khác là tiếp xúc nhiều với nắng.
Ung thư da là loại ung thư khá phổ biến và khả năng điều trị khỏi cũng rất cao nếu như phát hiện sớm, lúc mà ung thư chưa di căn sang các cơ quan hoặc tổ chức lân cận. Các nhà chuyên môn chia ung thư da ra làm nhiều loại, nhưng loại đáng lưu ý và nguy hiểm nhất là loại u hắc sắc tố ác tính. Loại này tiến triển nhanh, xâm lấn mạnh, có thể gây tử vong trong thời gian ngắn chừng vài tháng. May mà loại này ít gặp.
Khu vực thường xuất hiện ung thư da là những nơi cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng dữ dội của mặt trời. Tất cả những thương tổn trên da chảy máu, khó lành hoặc sự biến đổi bất thường về màu sắc, hình dạng, kích thước của nốt ruồi hoặc cục u trên da đều phải nghi ngờ và cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm, điều trị sớm. Như vậy khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao. Nói chung, người ta dùng phẫu thuật để loại bỏ vùng da bị ung thư. Một số trường hợp nặng phải dùng hóa trị liệu hoặc tia xạ để điều trị.
MAI HỮU PHƯỚC