.

Nước ngọt và sức khỏe

Coca-Cola, Pepsi hay nói chung là tất cả các loại nước ngọt có gaz đều có tác dụng giải khát. Chúng đồng hành cùng cuộc sống con người và có mặt trong hầu hết những buổi liên hoan, tiệc tùng, giỗ chạp hoặc cưới hỏi. Gaz của nước ngọt thực chất là khí Carbon Dioxid đã mang lại cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho người uống. Nhìn chung “cơ cấu” của nước ngọt có gaz bao gồm các thành phần sau: Nước, đường, caffein, Carbon Dioxid, Acide Phosphoric, hương liệu, Vitamine C và có thể có thêm một “gia vị bí mật” nào đó tùy theo mỗi hãng sản xuất.

Cảm giác sảng khoái mà nước ngọt có gaz mang lại đã làm nhiều người uống nó như là một thói quen và trở nên “nghiện”. Một khi uống nhiều nước ngọt có gaz thì... lơ cơm, vì đã có cảm giác “no” bụng. Đường trong các loại nước uống này cũng có rất ít giá trị dinh dưỡng, từ đó gây ra mất cân bằng năng lượng.  Các nghiên cứu cho thấy, số người mắc chứng béo phì gia tăng theo tỷ lệ thuận cùng với lượng nước ngọt có gaz được tiêu thụ mà thủ phạm chính là chất ngọt (đường) chứa trong đó. Người mắc chứng béo phì thì nguy cơ mắc bệnh đái đường rất cao.

Một nghiên cứu của Hội tim mạch Hoa Kỳ cảnh báo rằng, nếu uống trên 1 lon nước ngọt có gaz mỗi ngày thì tỷ lệ béo phì tăng thêm 31%. Có nhiều ý kiến đề nghị các nhà sản xuất nước ngọt có gaz ghi trên sản phẩm lời cảnh báo: “Có thể gây béo phì” giống như “hút thuốc có thể gây ung thư phổi”. Nhưng trên thực tế người ta dễ gì thực hiện những điều làm hạn chế nguồn lợi nhuận khổng lồ này. Nên xem ra đó cũng chỉ là những lời đề nghị mãi nằm trên giấy mà thôi. Do vậy, tốt nhất nên làm theo lời nói của giáo sư, bác sĩ Ravi Dhingra: “Điều độ vừa phải trong mọi lĩnh vực là chìa khóa của sự sống”.

MAI HỮU PHƯỚC
;
.
.
.
.
.