* 98% cơ sở chế biến thức ăn đường phố không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm
Mặc dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại thành phố Đà Nẵng ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và đi vào nền nếp, tuy nhiên ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố vẫn là điều lo lắng nhất của cơ quan chức năng trong thời điểm mùa hè đang đến.
Cảnh báo về thức ăn đường phố là điều cần thiết khi ngộ độc thực phẩm không giảm. |
Mất vệ sinh
Đi dọc các tuyến đường có bày bán các loại thức ăn sáng như bánh mì, bún, xôi gà, bún mắm, mì Quảng vẫn thấy tình trạng không bảo đảm vệ sinh. Nhiều nhất vẫn là các hàng ăn phục vụ cho đối tượng là công nhân tại các KCN, Khu chế xuất và sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Đa số các vụ ngộ độc thực phẩm đều do sử dụng thức ăn đường phố, ở các chợ, nơi thức ăn bị ô nhiễm từ nhiều nguyên nhân. Ở một số chợ, cống rãnh bị ứ đọng, khu vệ sinh bốc mùi hôi trong khi khu dịch vụ gần đó bày bán đủ các loại thức ăn chín như thịt quay, lòng lợn luộc, giò chả, nem rán không có tủ kính; các quán chè, quán cơm thì hàng chồng bát, đĩa, cốc, chén bẩn để ruồi nhặng bu đậu. Chưa kể đến người bán hàng không đeo tạp đề, mặc áo hở nách, tay không đeo găng.
Không chỉ có giò chả, bánh đúc, bánh cuốn... bị lạm dụng hàn the mà ngay cả hải sản, thịt lợn, gà, rồi đến cả rau muối chua, măng khô ngâm sẵn cũng lạm dụng hàn the công nghiệp, hàm lượng độc tố Asen rất cao... là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh ung thư khi ăn các loại thực phẩm này nhiều.
Cần sớm có hệ thống cảnh báo nhanh
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong 5 năm (từ 2005-2010) nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có xu hướng thay đổi từ giảm ngộ độc do vi sinh sang tăng ngộ độc do hóa chất, độc tố tự nhiên. Hiện tại có đến 98% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 3199/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật trong mẫu thức ăn ở các quán ăn đường phố cũng lên tới gần 70%. Đặc biệt, hai loại thực phẩm đường phố thường xuyên được học sinh, sinh viên sử dụng là bánh mỳ và kem thì tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lên đến gần 67%.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố cho biết, theo phân cấp, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra công tác VSATTP trên địa bàn mình quản lý. Bên cạnh nhiều địa phương đã làm tốt công tác quản lý, kiểm tra xử phạt thì vẫn còn một số nơi chưa làm tốt công tác này. Kinh doanh thực phẩm văn minh, bảo đảm các tiêu chí của thức ăn đường phố sẽ giúp cho người tiêu dùng tin tưởng, nhưng đáng tiếc là nhiều hộ kinh doanh còn coi thường tính mạng của người tiêu dùng.
Cả nước đang bước vào cao điểm thực hiện Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011. Tuy vậy, làm thế nào để nội dung thực hiện được tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn là điều quan trọng. Đồng thời cũng phải nâng cao nhận thức và cảnh báo cho người tiêu dùng trong việc chọn lựa thức ăn đường phố. Bởi thức ăn đường phố vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở các đô thị lớn, nhu cầu sử dụng loại hình này rất lớn. Công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là nâng cao chất lượng VSATTP của thức ăn đường phố cần được cảnh báo sớm để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG