.

Những thầy thuốc học theo gương Bác

.
Khi một người bệnh được chuyển gấp vào khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC), cũng là lúc sự sống của họ đang gặp hiểm nguy. Còn những bác sĩ ở đó thì bằng mọi cách phải giành lại sự sống cho bệnh nhân. Công việc tại Khoa HSCC - Bệnh viện Đà Nẵng 24 giờ/ngày như một chiếc máy chạy “vượt công suất” từ nhiều năm nay.

Mô tả ảnh.
Ngày 27-2-2011, Khoa HSCC được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm và biểu dương tinh thần phục vụ người bệnh.
 
Chăm sóc toàn diện người bệnh

Đối với nhóm bệnh đưa vào Khoa HSCC để theo dõi điều trị như nhiễm trùng đường huyết, xuất huyết não, ngộ độc nặng, suy đa phủ tạng, chấn thương sọ não do tai nạn, sốt rét ác tính, phù phổi, suy tim phổi, phù não… thì khả năng sinh hoạt, đi lại tối thiểu  không thể thực hiện được. Vì vậy, công việc đó do các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên khoa HSCC thực hiện. Nói vậy để thấy rằng, so với các khoa, phòng khác, nhiệm vụ của người thầy thuốc ở đây rất đặc biệt. Khi mà sự sống có thể tính từng ngày, từng giờ, từng phút tùy thuộc vào nỗ lực hết mình của thấy thuốc với người bệnh. Khi người bệnh lại lên cơn co giật, hô hấp yếu dần thì lúc đó các bác sĩ phải huy động tối đa sức lực, trí tuệ để có thể đưa người bệnh trở lại các chỉ số sinh tồn an toàn. Cứ như thế, 13 bác sĩ, 33 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên và 5 nhân viên phục vụ người bệnh luôn căng mắt theo dõi bệnh nhân khi mà người nhà của họ đang mỏi mắt, xót lòng, trông ngóng thông tin từ ngoài hành lang.

Thạc sĩ Lê Đức Nhân, Phó trưởng Khoa HSCC tâm sự: Khi bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường, tiên lượng xấu thì chúng tôi không chỉ can thiệp nhanh, mà còn phải chính xác, thuần thục. Bởi khi đó, chỉ cần thao tác sai, y lệnh chậm cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh…

Học Bác để giúp nhiều người bệnh nghèo

Đầu năm 2011, Khoa HSCC tiếp nhận sinh viên Trần Đình Dần, quê Quảng Nam, vào điều trị do nhiễm trùng đường huyết xuất phát từ viêm phổi nặng kéo dài. Mắc trọng bệnh nhưng gia đình Dần nghèo khó, tất cả chi phí hơn 100 triệu đồng điều trị được chính các bác sĩ Khoa HSCC vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Hay như bệnh nhân Bích Xuân bị tắc mạch ối sau khi sinh biến chứng gây tổn thương đa cơ quan. Các bác sĩ phải phẫu thuật 5 lần với 140 đơn vị máu các loại truyền cho người bệnh mới cứu sống được.

Tính trung bình mỗi năm, Khoa HSCC tiếp nhận điều trị cho hơn 20 trường hợp không có khả năng chi trả viện phí với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong những lúc như thế, các bác sĩ phải làm thêm nhiệm vụ là tạo cầu nối giữa các mạnh thường quân để giúp người bệnh nghèo. Cứ như thế, nhiều người bệnh quay trở lại thăm bệnh viện trong sự xúc động vì nghĩa tình ấm lòng của tập thể thầy thuốc ở đây.

Thạc sĩ Lê Đức Nhân cho biết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, đội ngũ cán bộ y tế của Khoa luôn quán triệt làm thế nào để không nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh mà trái lại phải tận tình, chu đáo với người bệnh và gia đình họ. Phải gần gũi với người nhà bệnh nhân để giải thích cặn kẽ, động viên tinh thần, giúp họ vượt qua lo lắng, sợ hãi khi người thân đang “thập tử, nhất sinh” trên giường bệnh. Học ở Bác, các bác sĩ còn cố gắng làm chủ chuyên môn, làm chủ kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại trên thế giới. Bởi thế, các kỹ thuật siêu lọc máu, thay huyết tương, lọc gan nhân tạo, điều trị tổn thương phổi cấp… được triển khai đồng bộ tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian qua đã cứu sống rất nhiều người bệnh. Nhiều sáng kiến cải tiến và công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được đánh giá cao về tính ứng dụng trong điều trị. Tỷ lệ tử vong tại khoa đã giảm nhiều so với trước.

Trước sự quá tải do người bệnh ngày càng đông, UBND thành phố đã có chủ trương cho phép Bệnh viện Đà Nẵng mở rộng, xây dựng Khu HSCC quy mô hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị chuyên môn. Đây là hướng phát triển chuyên sâu tất yếu, nhưng cũng là thách thức để các bác sĩ của Khoa HSCC nói riêng và tập thể Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực hơn vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bài và ảnh: Việt Dũng
;
.
.
.
.
.