Chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2011 là “Sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm”. Đây là một điểm rất mới bởi bắt đầu từ nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được quy định bằng hệ thống văn bản pháp lý cao hơn, với những quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống (từ ngày 1-7-2011) thì lực lượng thanh tra - những người “cầm cân nảy mực” phải kiên quyết xử lý hành vi vi phạm để tình trạng này không tái diễn.
Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cho thấy, qua thanh tra, kiểm tra tại 145.911cơ sở, đã phát hiện 31.033 cơ sở vi phạm (chiếm 21,3%). Trong đó, xử lý cảnh cáo 5.665 cơ sở (18,2%); nhắc nhở, chấn chỉnh 22.904 cơ sở (73,8%). Chỉ có 2.404 cơ sở bị phạt tiền (chiếm 7,7%), số cơ sở bị đình chỉ hoạt động rất ít...
Còn tại thành phố Đà Nẵng, tính đến nay, các Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hơn 110 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011. Đoàn đã phát hiện một số vi phạm về không bảo đảm điều kiện sản xuất nước uống đóng chai. Một số quầy thức ăn chín không được trang bị tủ kính, nhiều nhân viên tham gia sản xuất thức ăn chín không đeo tạp dề. Tuy nhiên, số cơ sở bị xử phạt còn ít, phần lớn những lỗi này cũng chỉ dừng lại ở... nhắc nhở.
Từ khi có lực lượng thanh tra chuyên ngành VSATTP, công tác thanh tra, kiểm tra tại thành phố có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm vẫn mang tính giáo dục là chính chứ chưa có những hình thức nặng hơn, bởi sự thiếu quyết liệt trong khâu xử phạt. Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong thời gian tới, lực lượng thanh tra liên ngành VSATTP của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về chất lượng VSATTP. Thay vì nhắc nhở, lần này lực lượng thanh tra kiên quyết xử lý vi phạm, có như vậy mới đủ tính răn đe.
Nhiều người dân cho rằng, đành rằng kiểm tra là để giáo dục, chấn chỉnh vi phạm, nhưng cứ “giơ cao” nhưng lại “đánh khẽ” mãi sẽ tạo thói quen xấu. Đó là kiểm thì cứ kiểm mà vi phạm thì vẫn cứ vi phạm, chỉ người tiêu dùng là gánh chịu hậu quả.
Mặc dù cơ quan chức năng luôn khuyến cáo: Hãy là người tiêu dùng thông thái, nhưng tình trạng thực phẩm mất an toàn hiện nay vẫn phổ biến. Vì thế, thay vì nhắc nhở, cơ quan quản lý nên phạt thật nặng những cơ sở, tổ chức vi phạm, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn thì tình trạng mất VSATTP mới được cải thiện.
Bài và ảnh: DIỆU MINH