Trong khi dịch bệnh tay-chân-miệng tại các tỉnh miền Trung đang bùng phát, xuất hiện ca tử vong, thì số ca mắc được ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng trong những ngày qua tăng cao khiến công tác phòng, chống càng trở nên cấp bách. Nguy hiểm hơn khi chủng vi-rút lần đầu tiên phát hiện có độc tính cao, dễ biến chứng gây tử vong cho trẻ em mắc bệnh.
Phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm phòng dịch bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. |
Quá tải bệnh nhân...
Trong ngày 13-6, Khoa nhi thuộc Trung tâm Phụ sản - Nhi thành phố Đà Nẵng thu dung điều trị 80 bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng, trong đó 33 trường hợp bệnh nhân của thành phố, số còn lại đến từ các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Lượng bệnh nhân đông, nhưng chỉ có 50 giường bệnh nên xảy ra tình trạng quá tải. Bệnh nhân nằm giường đôi, có thời điểm nằm tại hành lang các phòng bệnh trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng. Đây là bệnh dễ lây nhiễm nên việc quá tải gây ra khó khăn trong công tác thu dung điều trị cho các bệnh nhân nhi khác.
Trong khi đó, ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong tháng 5 và đầu tháng 6-2011, các đơn vị điều trị tiếp nhận gần 100 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn thành phố với cùng một biểu hiện là sốt cao, ho kèm theo ban đỏ nổi trong lòng bàn tay, bàn chân và vùng miệng. Tất cả các trường hợp tiếp nhận thu dung tại Bệnh viện Da liễu thành phố và Trung tâm Phụ sản - Nhi. Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ sản - Nhi thành phố cho biết, số ca biến chứng đến từ các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên cao hơn bệnh nhân tại thành phố, do việc phát hiện và điều trị bệnh chậm. Một số trường hợp khi đưa vào viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng... nguy kịch đến tính mạng.
Điều nguy hiểm là dịch bệnh tay-chân-miệng lây qua đường tiêu hóa, nước bọt và phân của trẻ. Bệnh có thể lây khi tiếp xúc với dịch mụn nước đỏ, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh đối với trẻ em trong khu vực trường học, nhóm trẻ gia đình và ngay cả trong các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân cũng rất cao.
Dễ gây tử vong
Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, lần đầu tiên qua xét nghiệm bệnh phẩm bệnh tay-chân-miệng khu vực miền Trung xuất hiện chủng vi-rút có độc tính rất cao, gây biến chứng và dễ tử vong, đó là Enterro vi-rút 71 (EV 71). Trường hợp bệnh nhân 2 tuổi tử vong do bệnh tay-chân-miệng tại tỉnh Quảng Ngãi điều trị tại Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã nhiễm phải vi-rút EV 71 nên bị biến chứng và tử vong chỉ sau 4 ngày nhập viện điều trị tích cực.
Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm gia tăng, Sở Y tế thành phố đã phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo triển khai các phương án phòng, chống dịch, đặc biệt với các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh trong sinh hoạt của trẻ nhỏ. Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, đã cử cán bộ dịch tễ giám sát các khu vực xuất hiện trẻ em mắc bệnh và chuẩn bị đầy đủ Cloramine B để khử khuẩn môi trường trong trường hợp xuất hiện hàng loạt người mắc bệnh. Qua giám sát tại quận Liên Chiểu, hiện các trường học có học sinh mắc bệnh tay-chân-miệng đã chuẩn bị cơ số thuốc khử khuẩn và xây dựng nội quy phòng bệnh ngay trong khuôn viên trường học.
Cũng theo ông Tôn Thất Thạnh: “Khó khăn trong công tác phòng, chống là dịch bệnh này chưa có vắc-xin ngừa và thuốc đặc trị, nên việc phòng bệnh, ngăn chặn tử vong gặp không ít khó khăn và chủ yếu phụ thuộc vào ý thức bảo vệ sức khỏe tại mỗi gia đình, trường học, khu tập thể...”. Các bác sĩ khoa nhi khuyến cáo, khi trẻ em mắc bệnh cần phải được cách ly theo dõi điều trị tích cực khoảng 1 tuần, phụ huynh không nên tự ý đưa con ra khỏi bệnh viện mà không có ý kiến bác sĩ. Bởi khi đó, bệnh nhân sẽ làm lây bệnh cho người khác và dễ gặp biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng do nhiễm phải vi-rút EV 71.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG