Một ngày mới bắt đầu từ lúc 0 giờ. Khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng dường như chẳng có khái niệm ngày hay đêm, lúc nào cũng đông đúc, tất bật. Nào là tiếng còi xe cứu thương, tiếng chân người huỳnh huỵch, có cả tiếng khóc và những câu hỏi, ánh mắt đầy âu lo... cho sinh mạng con người.
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tất bật xử lý hàng trăm ca cấp cứu mỗi đêm. |
Hàng trăm loại bệnh đổ dồn
Mới 10 giờ đêm, gần 30 giường bệnh bố trí tại khoa cấp cứu đã kín bệnh nhân. Bên ngoài, tiếng còi xe cứu thương vẫn hụ. Người bị TNGT máu me bê bết rên la thảm thiết, những đứa trẻ bị tắc ruột khóc khét, người già tăng huyết áp mặt đỏ lừ nằm bất động, cả những bệnh nhân vì buồn phiền chuyện gia đình tìm đến cái chết đều được đưa vào cứu chữa để giành lại mạng sống…
Bệnh nhân đang thập tử nhất sinh, người thân bồn chồn thấp thỏm, những bác sĩ, y tá, điều dưỡng khuôn mặt ráo hoảnh vì phải căng mắt, tất bật phân loại, truyền dịch, làm xét nghiệm, hội chẩn mổ cấp cứu để giành lại những chỉ số sinh tồn an toàn cho người bệnh.
Phiền ông chồng nhậu nhẹt rồi sinh tật quậy phá, chị L.H khuyên răn mãi cũng không nghe. Hết chịu nổi không khí ngột ngạt trong gia đình, chị H. mua hai chục viên thuốc ngủ tự vẫn. May mắn, đứa con gái phát hiện gọi xe cấp cứu chở thẳng đến Bệnh viện Đà Nẵng. Ê-kíp bác sĩ trực đêm 25-7 phải súc ruột khẩn cấp cho người bệnh. Ông chồng chị H. đứng ngoài ngất ngưỡng hơi men cứ thấp thỏm, ăn năn như người có lỗi.
11 giờ, chuyến xe cấp cứu từ Quảng Ngãi đưa bệnh nhân vượt gần 200km ra Đà Nẵng cấp cứu vì TNGT. Ca chấn thương sọ não và đa chấn thương toàn thân khá nặng nên các bác sĩ trực mổ phải hội chẩn khẩn cấp để tiến hành ca phẫu thuật lấy máu tụ trong hộp sọ người bệnh. Hai giờ sau, từ phòng hậu phẫu, các bác sĩ thông báo ca phẫu thành công, bệnh nhân vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
1 giờ sáng, thêm 2 chiếc taxi và 3 xe cấp cứu đổ xịch trước cổng bệnh viện. Cán đẩy lần lượt kéo bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT vào khu cách ly để cấp cứu. Tất cả các bác sĩ tập trung, y lệnh phát đi nhanh chóng. Hai ca tai nạn thương tích do uống rượu say, gây gổ chém nhau đứt tay nằm bên cạnh. Các bác sĩ phải tiến hành cầm máu và khâu vết thương... Cứ thế, 5 phút, rồi 10 phút lại có tiếng còi hụ cứu thương đưa bệnh nhân đến...
Có ai đếm tóc bao giờ!
Bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện hạng 1 với 1.100 giường bệnh. Mỗi năm cấp cứu hàng trăm ngàn ca bệnh. Trong đó, nhiều nhất vẫn là TNGT, tai nạn thương tích do té ngã, đánh nhau và rất nhiều bệnh lý mà con người có thể mắc phải trong cuộc sống. Nơi đây cũng là địa chỉ thu hút rất nhiều bác sĩ giỏi về làm việc theo chính sách ưu đãi của thành phố. Nhiều bác sĩ trẻ xung phong về khoa cấp cứu để rèn chuyên môn.
Câu chuyện cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu đêm vì thế cũng rất sống động nhưng không thể kể hết những vất vả, nhọc nhằn với nhiều chuyện buồn, vui lẫn lộn. Mới đây là câu chuyện của một người đàn ông ở quận Sơn Trà, gần nửa đêm uống rượu say rồi tưới xăng đốt cả gia đình 5 người. Ca cấp cứu lúc 11 giờ đêm, cả 5 cơ thể bị bỏng nặng. Trong đó, một bé gái 6 tuổi do vết thương bỏng xăng 100% cơ thể nên đã qua đời. Khi đó, những bác sĩ tại Khoa cấp cứu và Ngoại bỏng đã làm hết mình để giành sự sống cho em. Nhưng cũng đành ngậm ngùi vì vết thương quá nặng.
26 năm công tác tại Khoa cấp cứu, bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng khoa tâm sự: Những chuyện vui, chuyện buồn ở khoa cấp cứu nhiều đến nỗi có thể ví như tóc mọc trên đầu. Tóc thì mọc liên tục. Mà có ai đếm được có bao nhiêu sợi tóc đâu mà kể. Nhưng, điều mà 17 bác sĩ, hơn 30 điều dưỡng và 10 hộ lý đang làm việc tại khoa tự hào là dù đêm hay ngày, bệnh nhẹ hay nặng, mỗi khi người bệnh cần thì cái tâm của người thầy thuốc luôn được thể hiện đúng nơi, đúng lúc. Đó chính là sự yêu nghề thầm lặng mà mỗi ê-kíp trực tại khoa cấp cứu luôn động viên cho chính mình, cho đồng nghiệp phải luôn giữ lửa để cứu sống nhiều sinh mạng đang rất cần bàn tay vàng của người thầy thuốc.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG