Tiện dụng, đơn giản trong sử dụng nhưng nhiều người lầm tưởng thuốc dán an toàn tuyệt đối. Thực chất, chúng vẫn có thể gây tác dụng phụ như dạng thuốc uống hay tiêm, dạng thuốc dán thấm qua da cho tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân còn được gọi là hệ điều trị xuyên da, có tên viết tắt là TTS (nên sau tên thuốc của dạng thuốc này luôn có chữ TTS).
Cùng dược chất nhưng sử dụng khác nhau
Bác sĩ phân tích thuốc dán được chú ý vì chúng tiện lợi: Chỉ là miếng dán trên da nhưng dược chất sẽ thấm xuyên da để vào tĩnh mạch dưới da, vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân. Tuy nhiên, dù ít gây tai biến và tiện dụng nhưng thuốc dán cho tác dụng chậm hơn so với thuốc uống. Tùy loại mà tác dụng có thể từ sau vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần. Vấn đề đáng lưu tâm nữa là chính vì tiện dụng, đơn giản của thuốc dán mà nhiều người đã lầm tưởng nó an toàn tuyệt đối. Khuyến cáo: những miếng dán tác dụng toàn thân khi sử dụng phải thật chú ý đến hướng dẫn sử dụng, bởi có những loại cùng dược chất nhưng cách sử dụng lại khác nhau. Nhiều người vẫn tự dùng thuốc dán để trị đau nhức cơ mà không có chỉ định của thầy thuốc.
Các bác sĩ cũng lưu ý rằng, miếng dán giảm đau điều trị các chứng đau mãn tính có tác dụng mạnh có thể dẫn đến tình trạng buồn nôn, đầy bụng, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, trầm uất. Miếng dán trị bệnh mạch vành được khuyến cáo không sử dụng để cắt cơn đau mạch vành cấp và hạn chế sử dụng ban đêm để tránh tình trạng lờn thuốc. Với miếng dán chống say tàu xe vì có chứa hoạt chất scopoderm nên có thể gây khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt khiến mắt nhìn mờ.
Cần có chỉ định
Các thầy thuốc cũng cảnh báo rằng thuốc dán vẫn có thể cho tác dụng phụ giống như thuốc uống hay tiêm. Như fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp hoặc scopoderm TTS chứa dược chất chống co thắt, chống nôn có thể làm khô miệng, táo bón, làm mắt nhìn mờ...
Vì vậy, việc dùng miếng dán loại nào, dán trong thời gian bao lâu hoàn toàn do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, cần dán vào chỗ da lành lặn, sạch sẽ. Trường hợp có tác dụng phụ phải ngừng điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da. Mùa ôn thi, nhiều sĩ tử đã tìm đến miếng cao dán chống lại buồn ngủ mà theo quảng cáo thì khi dán vào thái dương, sĩ tử có thể tỉnh táo ngồi học trong vòng 8 - 10 giờ. Bác sĩ cảnh báo đây là dạng thuốc kích thần, nếu sử dụng thì nguy cơ gây nghiện và ảnh hưởng đến thần kinh rất cao; dù có tác dụng chống buồn ngủ nhưng chúng có nhiều tác hại như cơ thể sẽ bị tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, suy kiệt, mệt mỏi sau đó chuyển sang ngủ gà ngủ gật; nếu lạm dụng sẽ trở nên dễ cáu gắt, bị kích thích, hung hăng…
Đ.K (st)