.

Bệnh viêm gan B ngày càng tăng

.

Tại Hội nghị khoa học Tiêu hóa toàn quốc tổ chức mới đây tại thành phố Đà Nẵng, các bác sĩ đã đưa ra cảnh báo, 20% dân số Việt Nam mang siêu vi trùng viêm gan B, nhưng có đến 80% trong số đó không biết mình mang mầm bệnh, có thể bị suy gan, xơ gan, ung thư gan trong tương lai.

Mô tả ảnh.
Cách phòng bệnh viêm gan vi-rút siêu vi B hiệu quả là tiêm ngừa vắc-xin ngay từ nhỏ.

 

Nhiều đường lây

Theo điều tra mới đây của Hiệp hội Gan mật Việt Nam, nước ta đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới, với 15%-20% dân số mang siêu vi trùng viêm gan B. Ước tính khoảng 12 triệu dân đang mắc bệnh. Viêm gan siêu vi B đa số ở dạng không hoạt động, không cần điều trị đặc trị. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhiễm siêu vi B ở dạng không hoạt động sẽ chuyển sang dạng hoạt động.

Đáng ngại là quá trình mang mầm bệnh kéo dài âm thầm nhiều năm, gần như không có biểu hiện lâm sàng nào và người bệnh chỉ nhập viện điều trị ở giai đoạn muộn, khi đã bộc lộ các biến chứng nguy hiểm như: suy gan, xơ gan, ung thư gan… dẫn đến tử vong. Nguồn gốc lây nhiễm của những người đang bị nhiễm siêu vi B ở Việt Nam là khoảng 25% từ mẹ sang con lúc chưa sinh. 50% lây nhiễm ở tuổi thiếu niên, nhi đồng và 25% còn lại là do các nguyên nhân khác. Trong 4 năm qua, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B 24 giờ sau sinh đã giảm tới mức báo động, chưa đạt được mức 20%. Nếu thực trạng này không được cải thiện, nguy cơ bùng phát bệnh viêm gan B trong cộng đồng ở thế hệ sắp tới là điều đã được báo trước.

Cũng giống như HIV, viêm gan siêu vi B lây truyền qua ba đường: máu, tình dục và mẹ truyền cho con. Để phòng ngừa bệnh, phải lưu ý không tiêm chích, sử dụng chung những vật dụng có khả năng dính máu với người khác, không sử dụng ma túy, quan hệ tình dục an toàn. Phụ nữ thăm khám thai và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi mang thai, đặc biệt ở những bà mẹ mang thai có nhiễm siêu vi B.

Nhiều người băn khoăn là viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con, nên những người có bệnh thì có nên sinh con không? Theo bác sĩ Lê Quang Thông, người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường.Nếu mang thai mà có HBeAg dương tính thì có thể truyền siêu vi B cho con. Tuy nhiên, hiện nay tất cả bé sinh từ mẹ bị nhiễm siêu vi B đều được chích vắc-xin và dùng HBIg ngay sau sinh để được bảo vệ trong tháng đầu đời. Trẻ cũng cần được xét nghiệm HBsAg và antiHBs sau 18 tháng để bảo đảm việc chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng là hiệu quả và có kháng thể bảo vệ.

Tiêm vắc-xin 24 giờ đầu sau sinh

Dù nguy hiểm, nhưng viêm gan B lại là một bệnh có thể phòng ngừa bắt đầu từ lúc mới sinh bằng một loại vắc-xin hiệu quả cao và an toàn. Vắc-xin này có thể ngăn ngừa lây nhiễm, thậm chí sau khi bị phơi nhiễm với vi-rút. Do đó, theo các bác sĩ,  trẻ sơ sinh cần phải được tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau sinh và 2 liều vắc-xin theo đúng lịch. Thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm vi-rút viêm gan B sẽ phòng được khoảng 85% cho trẻ sơ sinh bị nhiễm. Nếu mẹ có vi-rút viêm gan B thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nếu tỷ lệ tiêm này cứ ngày càng rớt thêm, ước tính hằng năm có khoảng 55.000 trẻ sinh ra mang vi-rút viêm gan B mãn tính. 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó. Đây là một gánh nặng rất lớn cho việc chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo BS Nguyễn Hồng Long, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viêm gan siêu vi B là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm gan B cũng sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thích hợp. Theo các bác sĩ, người bệnh nên duy trì nguyên tắc dinh dưỡng cân bằng. Những thức ăn nhiều đường, nhiều ca-lo khiến cho gan bị nhiễm mỡ, không có lợi cho việc hồi phục sức khỏe. Đối với những người mắc bệnh gan mạn tính thì những thức ăn giàu chất protit sẽ tăng thêm gánh nặng cho gan.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống, phải tạo cho người bệnh có tinh thần lạc quan yêu đời giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, qua đó có thể tiến thêm một bước trong việc hỗ trợ điều tiết chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Tuy vậy, việc điều trị bệnh viêm gan B ở Việt Nam hiện rất lâu dài, tốn kém và tỷ lệ lành bệnh vẫn còn thấp.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.