Hàng trăm nhóm trẻ gia đình tự phát trên địa bàn thành phố hiện không được quản lý chặt chẽ và đang thiếu hụt kiến thức phòng chống bệnh nói chung, trong đó đặc biệt là bệnh tay-chân-miệng đang lây lan nhanh trên cả nước trong thời gian qua.
Phần lớn trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng trong độ tuổi đi nhà trẻ, trường mẫu giáo. |
Từ ca tử vong đầu tiên
Trước khi nhiễm bệnh dẫn đến tử vong vào ngày 9-10 vừa qua, cháu H.H là một trong 5 trẻ em học tại nhóm trẻ gia đình của cô M., tại đường Lê Thị Xuyến, phường Chính Gián. Khi sốt, cháu được gia đình cho ở nhà nghỉ để đi khám bệnh và nhập viện điều trị. Tuy nhiên diễn tiến bệnh trở nặng quá nhanh nên cháu bé đã tử vong, mặc dù các bác sĩ Trung tâm Phụ sản-Nhi đã điều trị theo đúng phác đồ bệnh tay-chân-miệng do Bộ Y tế đưa ra. Ngay khi có bệnh nhân tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp với Đội Y tế dự phòng quận Thanh Khê đã tiến hành xử lý môi trường tại nhà giữ trẻ và đề nghị cho 4 trẻ em còn lại nghỉ học 10 ngày để theo dõi quá trình nhiễm bệnh.
Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh tay-chân-miệng tại Đà Nẵng. Trong thời gian qua, số trẻ em đưa đến Trung tâm Phụ sản-Nhi điều trị bệnh tay-chân-miệng có không ít trẻ đang theo học tại các trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo và nhóm trẻ gia đình tự phát. Tuy nhiên, điều đáng lo là kiến thức phòng bệnh của nhiều cô phụ trách nhóm trẻ không có, chỉ được biết qua ti-vi, đọc báo. Do vậy, hầu hết không biết các kỹ năng phòng ngừa bệnh và khuyến cáo các phụ huynh có trẻ gửi theo dõi tình trạng sức khỏe của con em mình. Nhất là không để trẻ tiếp tục đến nhà giữ trẻ khi con có dấu hiệu nhiễm bệnh tay-chân-miệng. Khảo sát của cán bộ dịch tễ cho thấy, nhiều cô không biết cách pha chế dung dịch sát khuẩn để tẩy các dụng cụ học tập của học sinh. Việc sử dụng chung khăn mặt, bình sữa, ly uống nước tại các nhà trẻ vẫn rất phổ biến do không được đầu tư đồng bộ.
Tuyên truyền chưa đến
Trung tâm Phụ sản-Nhi cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày trung tâm thu dung điều trị từ 80 đến 100 bệnh nhân nhi đến từ nhiều địa phương trong khu vực. Hiện cả nước có hơn 70.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, 130 ca tử vong. |
Thời gian qua, ngành Y tế thành phố đã chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, nhằm khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh và được các Đoàn kiểm tra Bộ Y tế đánh giá cao trong việc đối phó, hạn chế bệnh nhân mới trên địa bàn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố thì hiện nay, công tác phòng chống, tuyên truyền về dịch bệnh tay-chân-miệng tại Đà Nẵng vẫn chưa đến được hàng trăm nhóm trẻ gia đình tự phát. “Việc xuất hiện ca tử vong đầu tiên do nhiễm bệnh tay-chân-miệng là một cảnh báo cho ngành Y tế.
Nhưng do quá đông và nằm sâu trong các khu dân cư, tổ dân phố nên lực lượng y tế không thể tiếp cận và tuyên truyền cụ thể đến từng nhóm trẻ gia đình. Đây là một khó khăn trong công tác ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo người lớn đang là trung gian mang dịch bệnh lây nhiễm cho trẻ em. Do sức đề kháng tốt nên bản thân người trưởng thành khó mắc bệnh, trẻ em thì ngược lại. Do vậy, người lớn cũng cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch tay-chân-miệng”, bác sĩ Út nhấn mạnh.
Cho đến nay, giải pháp để có thể giải quyết “lỗ hổng” tuyên truyền, theo bác sĩ Út là phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo thông tin thường xuyên, liên tục đến các trường mầm non, mẫu giáo bán trú. Riêng đối với các nhóm trẻ tự phát thì ngành sẽ phối hợp với các địa phương rà soát danh sách, số lượng, địa chỉ và tổ chức các buổi tập huấn cung cấp kiến thức cho người trực tiếp nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các địa phương, đặc biệt là UBND các phường, Trạm Y tế ở cơ sở.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG