.

Nghiên cứu khoa học trong bệnh viện: Ứng dụng siêu lọc máu, vá vành tai

.

 

Tháng 6-2010, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống bệnh nhân Phạm Văn Troan (tỉnh Quảng Ngãi) bị ong vò vẽ đốt hơn 100 vết, gây tổn thương gan, thận, tiêu cơ vân, suy tạng… Bệnh nhân được cứu sống do ứng dụng thành công kỹ thuật siêu lọc máu để lấy độc tố ra khỏi máu người bệnh.

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân được siêu lọc máu tại Khoa Hồi sức cấp cứu để qua tình trạng nguy kịch.
 
Lấy chất độc bằng siêu lọc máu

“Nếu không siêu lọc máu khẩn cấp, bệnh nhân Troan sẽ tử vong sớm vì nọc ong vò vẽ có độc tố rất cao. Vết thương khắp cơ thể nên tình trạng nhiễm độc trong máu, tổn thương các cơ quan lan rộng. Chúng tôi đã tiến hành lọc máu khẩn cấp hai lần và ứng dụng thành công van điều tiết thẩm thấu đào thải chất độc để bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh”, bác sĩ Hà Sơn Bình, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Bình và bác sĩ Lê Đức Nhân đã tiến hành điều chỉnh lượng chất độc, dịch tiết đào thải qua quá trình thẩm thấu trên nhiều bệnh nhân nhiễm độc, nguy kịch tính mạng phải chỉ định siêu lọc máu tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Điều đặc biệt là sau khi tiến hành các bước điều chỉnh thẩm thấu, lượng độc tố được siêu lọc đào thải ra ngoài nhanh và nhiều hơn. Qua đó tăng khả năng điều trị sau khi thực hiện siêu lọc máu trong thời gian 24 giờ.

Bác sĩ Bình cho biết, lọc máu nhằm thải độc, được chỉ định điều trị sớm cho bệnh nhân nặng như nhiễm độc, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng các tạng, suy đa phủ tạng...

Khác với chạy thận nhân tạo, siêu lọc máu thường được áp dụng đối với những trường hợp nguy kịch. Thông thường hoạt động liên tục từ 1 - 2 ngày (24/24 giờ). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hoạt động dài ngày hơn. Ví dụ khi bệnh nhân bị sốc không hồi phục, các chất trung gian hóa học của sốc tràn ngập trong máu, mọi phương cách điều trị đều không hiệu quả và bệnh nhân sẽ tử vong, nhưng nếu có máy sẽ lọc bỏ các chất này, giúp thuốc có tác dụng và cơ thể bệnh nhân chịu đựng qua cơn nguy kịch. Hiện trung bình mỗi tháng, Khoa Hồi sức cấp cứu thực hiện 60 lần lọc máu để cứu sống bệnh nhân nguy kịch tính mạng.

Vá vành tai bằng sụn sườn

Dị tật không có vành tai gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, nhất là  trẻ em ở giai đoạn  phát triển về ý thức, bắt đầu nhận thức về mình so với mọi người xung quanh. Với những trẻ bị tật ở mắt như cận thị, viễn thị, nếu không có vành tai sẽ không thể đeo được kính… Trước thực tế đó, mới đây Khoa Bỏng - Tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng đã thành công trong việc tạo hình vành tai từ sụn sườn tự thân giúp bảo đảm chức năng và thẩm mỹ cho các bệnh nhân khuyết tật.

Theo bác sĩ Xuân Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu, đây là vấn đề tương đối khó giải quyết trong kỹ thuật tạo hình vành tai. Trước đây, để tạo nên khung vành tai, người ta thường dùng chất liệu như silicon, silastic, sụn sườn đồng loại, nhưng không bảo đảm mảnh ghép lâu dài, thường bị đào thải và lộ ra rìa vành tai hoặc tự tiêu, gây biến dạng vành tai. Vì vậy, chất liệu tốt nhất là dùng sụn sườn tự thân.

Các bác sĩ Khoa Bỏng - Tạo hình lấy hai đoạn sụn sườn số 6 và 7 để thiết kế khung vành tai mà không làm ảnh hưởng đến khung sụn toàn thân và ít gây biến chứng thủng vào xoang màng phổi. Hai đoạn sụn sườn được chẻ mảnh ra để thiết kế khung vành tai mà không lấy nguyên cả mảng sụn để vết mổ nhỏ và diện khuyết sụn không lớn, không liên tục. Với phương pháp mới này, thường bệnh nhân phải trải qua hai hoặc ba lần phẫu thuật để tạo khung vành tai, cố định khung cùng da bọc bên ngoài, rồi tách và dựng vành tai. Đến nay, phần lớn trong số hơn 30 bệnh nhân được vá vành tai bằng sụn sườn đều bảo đảm về chức năng, bệnh nhân tự tin, thoải mái với vành tai mới, không có trường hợp nào lộ sụn thứ phát, đau, đổi màu da gây biến chứng nặng. Nghiên cứu này đã được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ của thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Việt Dũng
;
.
.
.
.
.