Trong số 289 mẫu thuốc tây và đông dược được kiểm nghiệm chất lượng trong 6 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã có đến 10% trong số đó không đạt tiêu chuẩn, gây mất an toàn cho người sử dụng...
Người bệnh nên sử dụng thuốc theo toa bác sĩ để bảo đảm an toàn sức khỏe. |
Nhiều mặt hàng thuốc kém chất lượng...
Trong 29 mẫu thuốc bị phát hiện kém chất lượng, đáng chú ý có chất gây ung thư acid Aristolochic 1 trong hai mẫu dược liệu Mộc thông tại hai cơ sở kinh doanh thuốc đông dược trên địa bàn hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ. Đây là chất có thể gây các tổn thương về nội tạng khi người bệnh sử dụng nhiều trong thời gian dài. Cũng qua kiểm nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện có chất kháng sinh trong thuốc đông y thành phẩm tại một hiệu thuốc nằm trên quốc lộ 1 A, thuộc địa bàn huyện Hòa Vang.
Các cơ sở vi phạm này đã bị thanh tra Sở Y tế thành phố xử phạt. Chiếm nhiều nhất trong số các đơn vị vi phạm về thuốc không bảo đảm chất lượng là các công ty dược phẩm, với 11 mẫu không đạt về hàm lượng, độ hòa tan. Riêng loại thuốc y học cổ truyền có 9 mẫu thuốc khác nhau không bảo đảm các yếu tố hóa lý, vi sinh do bị mốc, ẩm... Thuốc của các doanh nghiệp nhập khẩu từ nhà sản xuất tại Ấn Độ, Hàn Quốc cũng phát hiện không bảo đảm an toàn.
Theo Dược sĩ Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Đây là điều đáng báo động, bởi hiện nay thị trường thuốc tại thành phố Đà Nẵng phát triển rất nhanh với nhiều đại lý, công ty TNHH kinh doanh thuốc tây và đông y. “Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, tất cả mẫu thuốc không đạt chất lượng đều được Trung tâm báo cáo kịp thời lên Sở Y tế để ra quyết định đình chỉ, thu hồi, không cho lưu hành trên thị trường thành phố. Nhiều mẫu được thông báo lên Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để đình chỉ trên toàn quốc”.
Cũng theo Dược sĩ Tuấn, nếu các doanh nghiệp dược chấp hành việc gửi đủ mẫu thuốc theo đúng quy định kiểm định chất lượng theo từng năm, thì số lượng thuốc không đạt chất lượng sẽ còn nhiều hơn, chứ không dừng lại ở con số 29 mẫu vi phạm được công bố.
Thắt chặt kiểm tra, quản lý
Theo thông báo của một số hãng dược, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc nhái nhãn hiệu, bao bì của nhà sản xuất chính hãng được tiêu thụ dưới nhiều hình thức. Ở bên trong sản phẩm thì chỉ trộn hàm lượng và thành phần thuốc không đúng so với đăng ký bên ngoài bao bì. Riêng trong năm 2009, đã ghi nhận một trường hợp kinh doanh thuốc giả bị thanh tra y tế phát hiện và mời lực lượng công an điều tra xác định đối tượng làm giả tại thành phố Hồ Chí Minh tuồn hàng về thành phố Đà Nẵng qua đường bộ. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, vẫn chưa phát hiện thuốc giả trên thị trường Đà Nẵng!? Nguyên nhân có thể là do các đối tượng làm giả sản phẩm với hình thức tinh vi khiến cho các đại lý khó phát hiện đâu là thuốc giả, đâu là thuốc thật. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chưa thực hiện quyết liệt và mang tính đột xuất nên khó phát hiện vi phạm.
Điều đáng lo là một khi thuốc giả lọt đến tay người bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí đánh đổi bằng tính mạng của người dân khi sử dụng. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không chỉ sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ mà nên chọn những nhà thuốc uy tín, đạt các tiêu chuẩn về kinh doanh thuốc an toàn, bảo đảm nguồn gốc để ngừa thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng thuốc đúng cách và tìm đến các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh có uy tín khi có nhu cầu, ngành Y tế thành phố và các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt chính quyền cần xử lý mạnh tay những tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh không bảo đảm chất lượng, tránh gây hậu quả đáng tiếc cho người dân.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG