.

Quy hoạch mạng lưới nhà thuốc đạt chuẩn GPP

.

Tính đến 30-10, trong tổng số 415 nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn thành phố, chỉ có hơn 150 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành nhà thuốc tốt (Good Pharmacy Practices - GPP). Riêng đối với hai quận Hải Châu và Thanh Khê, vẫn còn hơn 30% trong tổng số 128 nhà thuốc chưa đạt tiêu chuẩn.

Mô tả ảnh.
Người dân mua thuốc được tư vấn sử dụng thuốc tại nhà thuốc thuộc Công ty Cổ phần Dược-Thiết bị y tế Đà Nẵng.

 

Doanh nghiệp kêu khó

Theo dược sĩ Tống Viết Phải, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (Dapharco), mặc dù đã cố gắng sắp xếp quy hoạch hệ thống nhà thuốc và đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp, bố trí lại các nhà thuốc theo các tiêu chuẩn về mặt bằng, diện tích, trang thiết bị bảo quản... nhưng đến 30-10, doanh nghiệp cũng chỉ có 109/236 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP theo quy định và đang thẩm định cấp phép. Số nhà thuốc còn lại vẫn trong quá trình nâng cấp, nộp hồ sơ chờ thẩm định của Sở Y tế thành phố.

“Chúng tôi đang gặp khó khăn do không đủ dược sĩ có trình độ đại học (ĐH) để phụ trách quầy, trong khi số lượng cơ sở bán thuốc lại khá lớn nên không thể đáp ứng yêu cầu 100% nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành GPP. Bởi, dù có nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất nhưng thiếu nguồn nhân lực thì không thể theo kịp lộ trình”, ông Phải chia sẻ.

Cũng theo ông Phải, trong các năm 2010, 2011 doanh nghiệp tuyển dụng và gửi đi đào tạo hơn 50 dược sĩ ĐH để phụ trách các quầy thuốc. Tuy nhiên, dù tuyển đủ số lượng nói trên cũng không thể đáp ứng yêu cầu khắt khe là 1 dược sĩ ĐH phụ trách 1 quầy thuốc theo tiêu chuẩn GPP do Bộ Y tế đưa ra. Riêng tại quận Hải Châu và Thanh Khê, bắt buộc 100% nhà thuốc đạt GPP sau 30-10 thì Dapharco cũng chỉ đạt 66% (79/120). Các doanh nghiệp dược khác, mặc dù có số lượng nhà thuốc ít hơn Dapharco nhưng vẫn không đạt đủ 100% số nhà thuốc đạt GPP trên địa bàn hai quận Hải Châu và Thanh Khê như đã quy định!

Không gia hạn lộ trình

Theo dược sĩ Trần Cúc, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề dược thuộc Sở Y tế thành phố thì quan điểm của ngành Y tế là không thể gia hạn lộ trình đối với các nhà thuốc sau 1-10 tại các quận trung tâm. “Cuối tháng 11 này, Sở sẽ thành lập các đoàn  kiểm tra việc thực hiện lộ trình. Nếu phát hiện nhà thuốc không đạt tiêu chuẩn GPP mà vẫn hoạt động, chúng tôi sẽ lập biên bản xử phạt, đình chỉ hoạt động ngay lập tức”, ông Cúc nhấn mạnh.

Ngoài quy định bắt buộc tại quận Hải Châu và Thanh Khê, theo lộ trình được Sở Y tế đưa ra, đối với nhà thuốc tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn phải đạt GPP sau ngày 1-1-2012. Riêng đối với huyện Hòa Vang, cho phép nhà thuốc đạt GPP trước 1-1-2013.

Mô hình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP - thực hành nhà thuốc tốt là kiểu mẫu các nước tiên tiến áp dụng lâu nay, được triển khai tại Việt Nam từ cuối năm 2007. Theo quy định của Bộ Y tế, đến hết năm 2010, tất cả các nhà thuốc bán lẻ tại 4 thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng phải đạt chuẩn GPP. Việc áp dụng nhà thuốc đạt chuẩn GPP là tiến tới xóa bỏ thực trạng mua bán, sử dụng thuốc trị bệnh một cách bừa bãi lâu nay, bỏ tình trạng “bác sĩ làm dược sĩ”, “dược sĩ làm bác sĩ”, dẫn đến hậu quả người bệnh bị nhờn thuốc. Nhà thuốc GPP ngoài việc phải đạt chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhiệt độ lạnh, diện tích bảo đảm trên 10 mét vuông, thì quan trọng là dược sĩ phải có mặt khi nhà thuốc hoạt động, chỉ bán thuốc theo toa (trừ một số loại), có nơi để dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh...

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.