.

Sốt xuất huyết đe dọa sinh viên

.
Cũng giống như năm ngoái, dịch sốt xuất huyết năm nay lại tiếp tục đe dọa sức khỏe của hàng trăm sinh viên sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận Liên Chiểu khi các điều kiện sống, sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường ô nhiễm khiến muỗi gây bệnh phát sinh nhiều…

Mô tả ảnh.
Khu nhà trọ sinh viên xuất hiện nhiều muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: V.Dũng
 
Nhếch nhác nơi ở

Theo chân đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng tại quận Liên Chiểu, chúng tôi ghi nhận hàng chục khu nhà trọ với hàng trăm sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam và Hòa Minh rất nhếch nhác. Các dãy trọ ẩm thấp, nằm sâu trong hẻm nhỏ, gần các phòng trọ rác bẩn vứt bừa bãi, các khu vệ sinh chung của sinh viên không được dọn dẹp, lau chùi bốc mùi xú uế, những vật dụng đọng nước và các bụi cây muỗi sinh sống rất nhiều. Những phòng trọ bỏ trống đóng kín cửa có nước đọng xuất hiện nhiều lăng quăng và muỗi.

Nguyễn Văn Tâm, sinh viên năm thứ 4, Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, phòng trọ của em có ba sinh viên ở chung trong điều kiện chật chội. Ngay bên phòng trọ có một hẻm nhỏ chứa đầy rác, giấy bẩn, vỏ mì ăn liền mục nát bốc mùi hôi. Cách đây hai tuần, khu nhà trọ này có một sinh viên mắc bệnh sốt xuất huyết khá nặng, phải đưa đến Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu điều trị gần 1 tuần. “Biết là không bảo đảm vệ sinh, lại có nhiều muỗi, nhưng được cái chủ phòng trọ cho thuê giá rẻ, khoảng 500 ngàn đồng/tháng nên bọn em phải ở. Có nhiều nơi khác sạch sẽ hơn nhưng giá thuê từ 700 đến 800 ngàn đồng/tháng, tụi em không đủ tiền trả” - Tâm chia sẻ. Mới chuyển tới khu trọ trên đường Ngô Sĩ Liên, Trần Thị Mai, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chịu hết nổi cảnh nhếch nhác nơi mình ở. “Bọn em cũng nghe tuyên truyền phòng dịch bệnh, cũng dọn dẹp vệ sinh… nhưng cũng chỉ dọn phòng mình ở chứ không thể dọn hết khu nhà trọ. Do vậy, muỗi ở đâu cứ bay vào. Chúng em rất sợ mắc bệnh, vì không có người thân để chăm sóc tại bệnh viện”, Mai kể.

Trong số 19 bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn quận Liên Chiểu thì đã có 11 trường hợp là sinh viên, học sinh. Chủ yếu vẫn là sinh viên sống ở các khu nhà trọ tại tổ 5 phường Hòa Khánh Bắc, tổ 22 phường Hòa Khánh Nam, những nơi mà đoàn kiểm tra ghi nhận môi trường sống bị ô nhiễm nặng.

Nghe,  nhưng để đó…

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố nhấn mạnh, rút kinh nghiệm trong đợt chống dịch năm 2010, ngành y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là các chủ nhà trọ cần quan tâm đến điều kiện sống của sinh viên. Chí ít họ cũng phải đến kiểm tra, nhắc nhở để các em sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, tránh mắc bệnh. Nếu các khu trọ xuống cấp nặng thì phải tu sửa, khắc phục sớm. “Ngành Y tế luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên không thể cứ xuất hiện muỗi là phải phun thuốc, mà người dân phải cùng tham gia chống dịch, diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm. Nếu để dịch bùng phát mạnh thì sẽ rất khó khăn trong công tác dập dịch và thu dung điều trị bệnh. Do vậy, các địa phương cần tích cực kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương mình” - bác sĩ Yến cho biết.

Theo ông Phạm Chải, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu, khó khăn trong công tác tuyên truyền hiện nay là khi đến gặp trực tiếp tại nhà dân tuyên truyền thì ban đầu ai cũng ủng hộ, nhưng “nghe, rồi để đó” cho nên muỗi vẫn cứ xuất hiện vượt ngưỡng cho phép tại các khu dân cư. Như ở gần khu nhà trọ tổ 22, phường Hòa Khánh Nam có một con kênh bị ứ đọng nước do rác bẩn ngăn dòng chảy đã tồn tại nhiều năm nay, mặc dù dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn. Nhiều đoàn đến kiểm tra, thị sát nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao. Và hậu quả là đã có  sinh viên mắc bệnh, phải nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết! 

Việt Dũng
;
.
.
.
.
.