.

Những người hết lòng với công tác dân số

.

Khó có thể khắc họa đầy đủ chân dung của họ, bởi công việc của họ âm thầm, lặng lẽ, đòi hỏi sự tận tâm, hết mình... Nhưng nhờ họ, công tác DS-KHHGĐ trong những năm qua đã đạt những kết quả khả quan. Họ là  1.743 cộng tác viên (CTV) dân số.

Cộng tác viên Dân số phát tài liệu và thuốc tránh thai.
Cộng tác viên Dân số phát tài liệu và thuốc tránh thai.

Công tác DS-KHHGĐ của thành phố Đà Nẵng trong năm qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng: Tỷ suất sinh thô năm 2010 đạt 13,64%o;  tỷ lệ sinh 3 trở lên 8,82%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đạt 7,8%; Tỷ lệ số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 78,93%; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 2,09 con.

Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể, sự hưởng ứng của toàn dân còn có sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên Dân số ở cơ sở. Họ là những người gần dân nhất, tình nguyện làm công tác xã hội, luôn có tinh thần trách nhiệm cao “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động về DS- KHHGĐ, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và cung cấp các phương tiện tránh thai đến từng hộ gia đình. Họ cũng là người kết nối sự phối hợp liên ngành ở cấp cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp DS-KHHGĐ, giúp cho việc sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn.

Cộng tác viên dân số là những người ngày đêm lăn lộn với một công việc đòi hỏi sự tận tâm, nhiệt huyết, bền bỉ. Để làm nên những thành tích trong công tác dân số, họ sống gần dân, hiểu dân, vận động thuyết phục dân bằng uy tín. Có những người gắn bó vài năm, nhưng có những người gắn bó tới gần 20 năm như một “duyên nợ” với công việc này... Chị Đặng Thị Cước, CTV dân số của phường Nại Hiên Đông với 18 năm trong nghề và đã được UBND thành phố nhiều lần tặng Bằng khen, thổ lộ: Bí quyết làm việc đạt hiệu quả của người cộng tác viên dân số gói gọn trong mấy chữ: “Mưa dầm thấm lâu”. 

Chị Trương Thị Kim Cúc, CTV dân số của phường Thanh Khê Đông cho biết: Phường Thanh Khê Đông là vùng ven biển, dân cư đông, người dân chủ yếu làm nghề biển, dân số biến động do di dời giải tỏa, người dân nhận thức về chương trình dân số chưa cao, quan niệm sinh nhiều con trai để đi biển nên công tác vận động  rất khó khăn. Với 15 năm làm công việc này, quyền lợi chẳng bao nhiêu nhưng có trăm ngàn điều phải lo. Nào là lo phường mình không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nào là lo chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản bị vỡ, lo không vận động được chị em sử dụng các dịch vụ KHHGĐ.  Nếu  nản chí, thì chẳng bao giờ thành công.

CTV dân số, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cách vận động khác nhau nhưng lại cùng mục đích: Vì chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội. Anh Võ Sơn -  CTV dân số xã Hòa Phú đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để nhiều năm liền  thực hiện tốt KHHGĐ của xã Hòa Phú. Bí quyết của anh Sơn qua 10 năm gắn bó với công tác dân số, là dẫu trải qua nhiều thăng trầm, nhưng anh Sơn chưa bao giờ có ý định “giải nghệ”. Mỗi tuần, mỗi tháng anh đều có kế hoạch phối hợp tuyên truyền với các ngành, đoàn thể địa phương, tập trung vào những chủ đề chính phù hợp với tình hình thực tế. Vừa tư vấn trực tiếp, vừa hướng dẫn các hội viên, đoàn viên tham gia các hoạt động của cộng đồng. Tại thôn Hòa Hải, anh đã vận động thành lập Câu lạc bộ Không có người sinh con thứ 3 trở lên, với nhiều hoạt động phong phú, thu hút nhiều người tham gia. Anh Sơn đúc kết được kinh nghiệm quý báu: “Luôn luôn gần gũi với bà con thì thuyết phục mới có hiệu quả!

Hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.743 CTV dân số với những khó khăn, phức tạp, có tính đặc thù riêng trong quá trình vận động thực hiện kế hoạch hóa ở các gia đình, tuy nhiên chế độ phụ cấp cho họ còn quá thấp. Nên chăng các ngành, các cấp cần có những hỗ trợ về vật chất để các CTV dân số hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, góp phần đem lại cuộc sống hài hòa cho nhiều gia đình.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.