.
Quận Sơn Trà:

Đẩy mạnh giám sát dịch tay-chân-miệng

.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh  tay-chân-miệng trên địa bàn quận Sơn Trà diễn biến phức tạp, đã có 105 ca mắc tại 7/7 phường của quận. Trong đó, đáng lo ngại là có đến 70% bệnh nhân là trẻ em ở nhà không đi học.

Thông tin phòng bệnh tay-chân-miệng được dán trước cửa phòng học Trường mầm non Bạch Yến, quận Sơn Trà.
Thông tin phòng bệnh tay-chân-miệng được dán trước cửa phòng học Trường mầm non Bạch Yến, quận Sơn Trà.

Người lớn lây bệnh cho trẻ

Liên tiếp trong tháng 10 và 11, hàng chục trẻ em dưới 5 tuổi tại quận Sơn Trà mắc bệnh tay-chân-miệng nhưng không rõ nguyên nhân nguồn lây lan, do những em này ở nhà chứ không học tại trường mẫu giáo hay nhóm trẻ gia đình. Đó là các bệnh nhân Huỳnh Văn Tuấn Đ. (10 tháng tuổi, trú tại tổ 49, phường An Hải Bắc), Nguyễn Ngọc Phước A. (17 tháng tuổi, trú tổ 46 phường An Hải Đông), Lê Thị Thu N. (14 tháng tuổi, trú phường Thọ Quang). Khi cán bộ y tế tiếp cận và xử lý môi trường tại gia đình, thì bố mẹ các em cho biết không tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Tuy vậy, theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận thì chính người lớn đã mang vi trùng từ bên ngoài về nhà, dẫn đến sự lây lan cho trẻ nhỏ. Đến nay, cơ quan y tế đã xử lý tổng số gần 118 ổ dịch bệnh trong các khu dân cư, nhà giữ trẻ và trường mẫu giáo.

Đặc biệt, tại phường Thọ Quang, do nhận thức việc phòng ngừa dịch bệnh của người dân chưa cao nên có 29 trẻ em mắc bệnh tạy-chân-miệng. Phần lớn là trẻ giữ ở nhà. Nguồn lây chính là những người thân trong gia đình. “Do người lớn có khả năng đề kháng cao, nên khi mang vi trùng trong người họ không mắc bệnh. Ngược lại, với trẻ nhỏ khi được bố mẹ ẵm bồng bị lây bệnh. Do vậy, không chỉ trẻ nhỏ cần phải thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên mà người lớn cũng phải thực hiện vệ sinh cá nhân mình trước khi tiếp xúc với trẻ nhỏ”, bác sĩ Quang khuyến cáo.

Giám sát diệt khuẩn tại trường học

Tính đến nay, toàn thành phố có 729 ca mắc bệnh tay-chân-miệng, 1 trường hợp tử vong; xử lý 1.072 ổ dịch. Địa phương có số ca mắc cao nhất là quận Liên Chiểu 138 trường hợp, Hải Châu 120 trường hợp.

Hiện toàn địa bàn quận Sơn Trà có 37 trường học, trong đó, 14 trường tiểu học, 7 trường THCS, 16 trường mầm non. Ngoài ra có 97 nhóm trẻ gia đình nuôi dạy gần 2.000 trẻ em từ 18 tháng tuổi đến 3 tuổi. Trong thời gian đầu khi xuất hiện dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Quang cho biết, Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà đã phải tiến hành đình chỉ hoạt động 10 ngày đối với nhóm trẻ gia đình H.S do cùng một thời điểm phát hiện 2 trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng.

Mặc dù ngành Y tế quận đã triển khai quyết liệt các biện pháp như tuyên truyền, xử lý môi trường, giám sát ca bệnh nhưng đến cuối năm, số ca mắc bệnh tay-chân-miệng tại Sơn Trà tuy không tăng cao nhưng vẫn chưa giảm. Do vậy, ngành Y tế quận đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương đẩy mạnh thực hiện khuyến cáo 100% trường học thực hiện sát khuẩn hằng ngày bằng Chloramine B. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, giảm số ca mắc mới, các cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sát khuẩn đồ chơi; tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể bán trú tại các trường mầm non và tiểu học. Những tờ rơi, pa-nô hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng được dán ngay trước cổng trường và trước cửa các phòng học để cho phụ huynh có trẻ nhỏ tiếp cận thông tin, phòng bệnh cho chính mình và người thân trong gia đình. Riêng đối với các ca bệnh nghi mắc bệnh tay-chân-miệng được cán bộ y tế sát khuẩn bằng dung dịch Chloramine B trong 24 giờ đầu.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.