.

Trời lạnh đột ngột, trẻ nhập viện tăng cao

.

(ĐNĐT) –Thời tiết tại Đà Nẵng mấy ngày qua trở lạnh đột ngột, khiến số lượng trẻ nhập viện khá đông. Chủ yếu các em bị bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa.

Rất đông các phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại Trung tâm phụ sản Nhi Đà Nẵng (Ảnh chụp sáng 13-12).
Rất đông các bậc cha mẹ đưa trẻ đến khám bệnh tại Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (Ảnh chụp sáng 13-12).

Sáng ngày 13-12, có mặt tại khu vực khám bệnh của khoa Nhi (Trung tâm phụ sản - nhi Đà Nẵng), chúng tôi quan sát thấy hàng chục gia đình đưa con đến khám bệnh.

Tại khu vực ngồi chờ khám, người ngồi chờ khá đông. Hầu hết cha mẹ các cháu nhỏ khi được hỏi đều cho biết: rất lo lắng vì có thể do bị nhiễm lạnh nên các cháu bị viêm phổi, viêm phế quản, ho sốt...

Chị Hoa (trú quận Sơn Trà) cho biết, con trai chị được 7 tháng, từ hai ngày nay cháu bị ho và quấy liên tục nên chị phải xin nghỉ cơ quan để đưa con tới khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nhẹ.

Khi thời tiết giao mùa (thời tiết nóng lạnh thất thường) là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới trẻ nhỏ.
Khi thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới trẻ nhỏ.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ ngày 5 đến 9-12, có tới hơn 880 lượt bệnh nhi tới khám bệnh. Riêng trong ngày hôm qua (12-12), Trung tâm khám cho hơn 390 lượt bệnh nhân thì có tới 194 bệnh nhi.

“Có ngày cao điểm, Trung tâm có tới hơn 1.000 bệnh nhân nằm viện thì trong đó có tới hơn 600 bệnh nhi. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 450 bệnh nhi nằm nội trú. Tính đến ngày 12-12, Trung tâm có 444 bệnh nhi đang nằm điều trị, trong số này có 105 cháu mắc bệnh chân-tay-miệng, còn lại chủ yếu là bệnh nhân bị bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hô hấp”, bác sĩ Vân cho biết.

Cũng theo bác sĩ Vân, do trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên khi thời tiết giao mùa (thời tiết nóng lạnh thất thường) là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý cách ăn mặc, không để trẻ mặc quá nóng hoặc quá lạnh.

Bác sĩ Vân cũng đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh có trẻ nhỏ: nên cho trẻ bú mẹ đầy đủ trong 24 tháng đầu; tiêm chủng đầy đủ; cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ 4 trở đi (nếu trẻ có nhu cầu) để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Đồng thời, cần chú ý‎ giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài, giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, tránh khói thuốc lá, khói bếp… ảnh hưởng tới trẻ. Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc nơi đông người khi không cần thiết để tránh lây bệnh chân-tay-miệng.

Đắc Mạnh

,

;
.
.
.
.
.